Xây dựng hàng rào kỹ thuật phòng, chống nợ xấu
Chiều 4.1, Quốc hội làm việc tại Tổ, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Làm rõ giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận khoản vay
Đa số ĐBQH nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Đồng thời, phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch cũng như việc bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Ảnh: Quang Khánh
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Hải Dương) nêu rõ, các chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được Chính phủ trình Quốc hội cơ bản là toàn diện, vừa có những chính sách trực tiếp, vừa có những chính sách gián tiếp, vừa có những chính sách thực hiện trong giai đoạn ngắn hạn và cũng có những chính sách có tác động lâu dài. Cùng quan điểm, ĐBQH Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) đánh giá cao khi dự thảo Nghị quyết đã đề ra một số điểm rất cụ thể, như thực hiện hỗ trợ lãi suất tín dụng 2%; hỗ trợ trực tiếp cho người lao động; và một số chương trình hạ tầng đặc biệt dành cho y tế cơ sở…
Về hỗ trợ các doanh nghiệp, nhiều đại biểu kiến nghị, cần làm rõ đối tượng nào cần ưu tiên, dựa theo các kịch bản diễn biến của dịch Covid-19, tránh đầu tư dàn trải, dẫn đến không có hiệu quả như mong muốn.
Liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) bày tỏ băn khoăn khi thực hiện giảm tiếp lãi suất đối với ngân hàng, thì đi kèm với đó là những khoản nợ xấu sẽ tiếp tục gia tăng. Theo tính toán của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, với tỷ lệ tính khoảng 7% tổng dư nợ như hiện nay có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế trong giai đoạn trung hạn; thực tế, hiện các ngân hàng bị ràng buộc với tỷ lệ 40% vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn. Đồng nghĩa, các doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các khoản vay trong gói phục hồi phát triển kinh tế. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị, Chính phủ cần làm rõ hơn các giải pháp giúp cho doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay từ gói hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bởi, hiện nay số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ rất cao so với tổng các doanh nghiệp tại Việt Nam và số lao động nằm trong khối doanh nghiệp vừa và nhỏ này cũng rất lớn.
Đề xuất giải pháp, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị, có thể áp dụng một "cơ chế cấp vốn khẩn cấp và sáng tạo", tức là hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng không gây quá nhiều áp lực cho các ngân hàng thông qua việc bảo lãnh tín dụng cho các ngân hàng.
Cùng quan điểm lo ngại tình trạng nợ xấu khi thực hiện hỗ trợ lãi suất tín dụng 2%, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, cần xác định rõ và đưa ra dự báo lĩnh vực nào có nguy cơ xảy ra nợ xấu, từ đó dự báo được tình hình và xây dựng hàng rào kỹ thuật cho vấn đề phòng, chống nợ xấu từ việc hỗ trợ này.
Ảnh: Quang Khánh
Chú trọng hỗ trợ y tế cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Về việc đầu tư xây dựng cho hệ thống y tế xã, ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nêu thực tế, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào trạm y tế xã. Do đó, cần quan tâm đến khu vực này để có sự đầu tư thích đáng. Đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng, cần dựa trên tiêu chí diện tích của địa phương với dân số và đồng bào dân tộc thiểu số, về tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo, cùng với đó là các tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở và số lượng người mắc nhiễm và tử vong do Covid-19 để có sự bố trí nguồn lực, nâng cao năng lực y tế cơ sở, trạm y tế xã cũng như trung tâm y tế huyện. Cùng với đó, Chính phủ cần đẩy mạnh thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia Quốc hội đã thông qua, đặc biệt là chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. “Nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời thì khu vực này sẽ rất khó phục hồi như các địa phương có điều kiện hơn”, đại biểu Lê Hoàng Anh nhấn mạnh.