Xây dựng hệ sinh thái cấp nước thương hiệu Biwase
Năm 2024, triển khai kế hoạch mở rộng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh. Biwase cũng đang xây dựng hệ sinh thái cấp nước mang thương hiệu của mình tại nhiều địa phương trong cả nước.
Nâng công suất các nhà máy
Đi trước một bước là yêu cầu cần thiết của ngành cấp nước để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho sản xuất, sinh hoạt tại các địa phương phía bắc của tỉnh. Bước đi đó của Biwase cũng chính là góp phần thực hiện chủ trương của tỉnh từng bước di dời doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp phía nam không còn phù hợp về khu vực phía bắc tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành tham quan Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Biwase, cho biết theo kế hoạch năm 2024, công ty có kế hoạch đầu tư mở rộng Nhà máy Nước Chơn Thành, công suất tăng thêm khoảng 30.000m3/ngày đêm, mở rộng mạng lưới cấp nước khu vực Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên, Chơn Thành - Bình Phước. Cùng với đó, Biwase đầu tư cải thiện cơ sở vật chất, tăng công suất Nhà máy Nước Nhị Thành (Long An) thêm 60.000m3/ngày đêm.
Với những thành tích trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Biwase được Tạp chí Forbes bình chọn vào Top 50 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán tốt nhất Việt Nam 2023, đây là năm thứ 4 liên tiếp công ty được vinh danh. Bên cạnh đó, Biwase còn vinh dự đón nhận hai giải thưởng quốc gia lớn gồm “Doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh bền vững” và Top 10 đại diện cho các công ty thuộc lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường Việt Nam. Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023 với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng”, Biwase đã đón nhận Giải thưởng các Công ty M&A tốt nhất Việt Nam.
Hiện tại, Biwase tiếp tục mời gọi nhà đầu tư cho các dự án quan trọng trong kế hoạch của công ty. Cụ thể, việc đầu tư xây dựng các nhà máy mới của Biwase dự kiến có tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng, được phân bổ đầu tư trong 3 năm. Riêng trong năm 2024, Biwase sẽ giải ngân khoảng 500 tỷ đồng cho dự án Nhị Thành, các khoản đầu tư nhỏ giải ngân khoảng 100 tỷ đồng/dự án đầu tư…
Ứng dụng mạnh khoa học - công nghệ
Đầu năm 2024, Biwase khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy đốt rác thu hồi nhiệt phát điện 5MW, nâng công suất phân loại tái chế, xử lý rác lên 2.520 tấn/ngày. Tất cả các công trình trong Khu liên hợp xử lý rác thải rắn Nam Bình Dương đều do kỹ sư, nhà quản lý Biwase thiết kế, lắp đặt và làm chủ công nghệ.
Turbin phát điện công suất 5MW tại nhà máy đốt rác thu hồi nhiệt phát điện
Tham quan Khu liên hợp xử lý rác thải rắn Nam Bình Dương mới đây, các đại biểu đã rất ấn tượng trước cụm nhà máy đốt rác thu hồi nhiệt phát điện, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng… Với dây chuyền thiết bị hiện đại do châu Âu (G7) sản xuất, các nhà máy có quy trình xử lý đạt tiêu chuẩn an toàn, sử dụng nguyên liệu rác thải nhưng không phát ra mùi đặc trưng. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, nhấn mạnh: “Đây là công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng về khoa học công nghệ trong xử lý môi trường tại Việt Nam”. Chủ đầu tư công trình (BIWASE) sẵn sàng mở cửa đón khách tham quan, hướng xây dựng hoạt động Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương như công viên khoa học - công nghệ.
Được biết, dự án chuẩn bị đầu tư lò đốt phát điện thứ 2 với công suất 500 tấn/ngày kết hợp phát điện 12MW của Biwase đang được triển khai. Đồng thời, Biwase đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng khoảng 400 ha phục vụ công trình xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Tân Long, huyện Phú Giáo.
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Biwase, khẳng định chính tầm nhìn trong quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ mới là cơ sở để Biwase phát triển không ngừng. Cụ thể, cơ sở hạ tầng được tỉnh chú trọng đầu tư đồng bộ tạo nhiều động lực để các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, thương mại - dịch vụ, cấp nước phát triển mạnh.