Xây dựng hệ sinh thái công dân số hoàn chỉnh, đồng bộ
Trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) đang trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu, việc xây dựng hệ sinh thái công dân số đóng vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tại Thanh Hóa, quá trình này đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần định hình một xã hội số hiện đại và bền vững.

Siêu thị Go! Thanh Hóa quét mã QR để kiểm soát hàng hóa hiệu quả.
Một trong những nền tảng quan trọng của hệ sinh thái công dân số là cơ sở dữ liệu dân cư chính xác và hệ thống định danh điện tử hiệu quả. Thanh Hóa đã tích cực triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, tỉnh đã kích hoạt hơn 1,3 triệu tài khoản định danh điện tử, đạt 156% chỉ tiêu do Bộ Công an giao. Thành tựu này tạo ra nguồn dữ liệu dân cư quan trọng, thúc đẩy việc triển khai các tiện ích số và phát huy tài nguyên số về dân cư.
Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng được đẩy mạnh. Điều này cho phép khai thác và sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân khi giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến một cách thuận lợi. Tỉnh cũng đang hoàn thiện kho dữ liệu về thủ tục hành chính và kho dữ liệu điện tử cá nhân của công dân, giúp người dân quản lý, lưu trữ dữ liệu cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, đảm bảo hiệu quả trong giao dịch trực tuyến với cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng chú trọng xây dựng chính quyền số, nhằm đổi mới phương thức làm việc và nâng cao hiệu quả quản lý. Việc kết nối Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp người dân không phải khai báo lại thông tin cá nhân khi thực hiện các dịch vụ công, giảm thiểu thời gian và công sức. Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) được duy trì ổn định, cung cấp nhiều dịch vụ kết nối nội tỉnh và bên ngoài, góp phần hiện đại hóa nền hành chính và nâng cao hiệu quả công việc.

Người dân kiểm tra xuất xứ hàng hóa qua mã QR trên sản phẩm trước khi mua sắm.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao kỹ năng số, Thanh Hóa đã tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người dân khi hoạt động trên môi trường số. Các hoạt động này đảm bảo người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số một cách an toàn, hiệu quả và đúng pháp luật, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái công dân số và khai thác tốt nguồn lực từ cơ sở dữ liệu số, hạ tầng số, góp phần tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc xây dựng hệ sinh thái công dân số đã tạo động lực lớn thúc đẩy chương trình CĐS của tỉnh. Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS; đến năm 2030 tiếp tục duy trì vị trí này và phấn đấu nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo nền tảng cho các ngành, lĩnh vực mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Ông Lê Xuân Lâm, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa) cho biết: "Việc xây dựng hệ sinh thái công dân số không chỉ đơn thuần là số hóa dữ liệu hay cung cấp dịch vụ công trực tuyến mà còn là quá trình thay đổi nhận thức, thói quen và phương thức làm việc của cả người dân lẫn chính quyền. Chúng tôi đang từng bước xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh, đồng bộ từ nền tảng dữ liệu đến các dịch vụ số, giúp công dân tiếp cận nhanh chóng với tiện ích số, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu quả quản lý Nhà nước".
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đang tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ thông tin, mở rộng mạng lưới viễn thông, phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt và các nền tảng giao dịch số. Các dự án CĐS trọng điểm như triển khai thẻ căn cước gắn chip tích hợp nhiều tiện ích, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý đô thị và y tế số... Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn tỉnh cũng đang được khuyến khích phát triển các sản phẩm, dịch vụ số nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế số một cách thuận tiện nhất.
Có thể nói, những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng hệ sinh thái công dân số tại Thanh Hóa là minh chứng rõ nét cho sự quyết tâm và nỗ lực của tỉnh trong việc hiện đại hóa hành chính, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với những bước đi vững chắc và định hướng chiến lược rõ ràng, Thanh Hóa đang dần khẳng định vị thế là một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc CĐS của cả nước.