Xây dựng hệ sinh thái 'from farm to cup' nâng cao giá trị cà phê Gia Lai
Sự kiện Gia Lai Coffee Festival với chủ đề 'Gia Lai-Vùng nguyên liệu chất lượng cao' vừa diễn ra đã mở ra cơ hội tạo ra hệ sinh thái 'from farm to cup' (từ nông trại tới ly cà phê) với mục tiêu xây dựng thương hiệu cà phê Gia Lai lan tỏa không chỉ tại Việt Nam, mà còn ra thị trường quốc tế.
Tiếp tục khẳng định và xây dựng thương hiệu cà phê Gia Lai
Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để sản xuất cà phê. Tận dụng lợi thế đó, địa phương đã có nhiều chương trình, kế hoạch tập trung đầu tư đưa cà phê trở thành cây trồng chủ lực của địa phương; đồng thời, nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để mặt hàng này dần thâm nhập sâu vào các thị trường khó tính trên thế giới. Với diện tích hơn 98.700 ha (trong đó có gần 88.700 ha đã cho sản phẩm), cà phê trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của tỉnh Gia Lai.
Một trong những thế mạnh của tỉnh Gia Lai chính là cà phê robusta. Robusta được xem là “vàng nâu” của ngành Gia Lai, khi chúng được đánh giá cao và là đặc sản nhờ hàm lượng caffein vượt trội. Nhờ hội tụ các điều kiện lý tưởng về nhiệt độ, lượng mưa, cũng như biên độ nhiệt thay đổi rõ rệt giữa ngày và đêm chính là những thuận lợi để biến cà phê Gia Lai thành đặc sản không chỉ tại Việt Nam và trên thế giới. Nhờ những thuận lợi đó, cà phê Gia Lai có ngoại hình đẹp, màu sắc nổi bật, hương vị không kém phần tinh tế.
Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt trên 490 triệu USD, chiếm gần 71% tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản hàng hóa của tỉnh. Đặc biệt, Gia Lai đã có sản phẩm cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp được xuất khẩu sang thị trường khó tính EU theo Hiệp định EVFTA.
Là đơn vị sản xuất cà phê đặc sản kết hợp phát triển kinh tế bền vững tại huyện Chư Prông, ông Nguyễn Tiến Định, Giám đốc Công ty cổ phần VCU cho biết: “Chúng tôi luôn lấy cà phê chất lượng cao làm gốc, kết hợp với công nghệ hiện đại và điều chỉnh phù hợp với thực tế, tạo ra những sản phẩm có hương vị đặc biệt, đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng. Tại sự kiện này, chúng tôi muốn đưa tới những sản phẩm chất lượng nhất để mọi người trải nghiệm và đánh giá. Qua đó, chúng tôi muốn góp phần giới thiệu đặc sản cà phê Gia Lai tới cộng đồng người yêu cà phê”.
Đến với không gian trải nghiệm cà phê tại Gia Lai Coffee Festival, anh Nguyễn Hữu Thuận (xã Ia Din, huyện Đức Cơ) chia sẻ đã có cơ hội tìm hiểu các loại cà phê đặc sản như robusta, các dòng hạt specialty-loại cà phê arabica thượng hạng, chất lượng cao theo đánh giá của SCA (Hiệp hội Cà phê đặc sản quốc tế).
“Tại sự kiện còn có trải nghiệm các phương pháp chiết xuất cà phê thú vị, từ pha phin truyền thống đến pha máy, V60-dụng cụ pha chế được xem là biểu tượng của làn sóng cà phê specialty, chemex-dụng cụ pha chế đơn giản làm hoàn toàn từ thủy tinh, cold brew-cà phê pha và ủ lạnh... Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ sự kiện này”, anh Thuận chia sẻ.
Kết nối “from farm to cup”
Với tiêu chí “from farm to cup”, các nhà tổ chức Gia Lai Coffee Festival mong muốn tạo sự kết nối giữa người nông dân-nhà rang xay-chủ quán cà phê-người pha chế-người tiêu dùng để tạo ra chuỗi cung ứng giúp nâng cao thương hiệu và giá trị cà phê Gia Lai.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, đồng sáng lập Trung tâm Dạy nghề pha chế Gia Lai-TRS1 Training Center, Trưởng ban tổ chức sự kiện-thông tin Gia Lai Coffee Festival cho biết, Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để sản xuất cà phê. Cà phê Gia Lai có hương vị rất đặc trưng với vùng nguyên liệu chất lượng cao. Tuy nhiên, sản phẩm cà phê của chúng ta chưa được phủ sóng trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
“Chúng tôi tổ chức sự kiện này trong một không gian mở với mong muốn quảng bá vùng nguyên liệu cà phê Gia Lai. Ngoài hoạt động thuần túy về trải nghiệm thưởng thức và tìm hiểu cà phê Gia Lai, chúng tôi cũng đã kết nối giữa người nông dân-nhà rang xay-chủ quán cà phê-người pha chế-người tiêu dùng theo tiêu chí “from farm to cup”; hỗ trợ đưa hạt cà phê của người nông dân từ trang trại đến thành phẩm cuối cùng là những ly cà phê thơm ngon tới tay người tiêu dùng”, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ.
Là chủ cơ sở chế biến, rang xay cà phê chất lượng cao nhiều năm, anh Nguyễn Quang Hùng, Chủ cơ sở Hùng Thịnh (xã Trà Đa, TP Pleiku) đánh giá: “Đây là nơi mở ra cơ hội để giúp tôi quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng. Tôi rất vui vì nhiều người tới tìm hiểu và kết nối với thương hiệu cà phê của mình”.
Theo anh Trần Lê Vĩnh An, chủ quán cà phê Hani (phường Hoa Lư, TP Pleiku), Gia Lai Coffee Festival là cơ hội tốt để các chủ doanh nghiệp cà phê kết nối và tìm đối tác kinh doanh. “Sự kiện đã giúp tôi xây dựng thêm cho mình những mối liên kết để tìm ra những sản phẩm phù hợp với khách hàng”, anh Trần Lê Vĩnh An chia sẻ.
“Đúng như tiêu chí “from farm to cup”, cà phê Gia Lai đem đến sản phẩm cà phê sạch và cung cấp cho khách hàng những sản phẩm cà phê độc đáo. Các dòng cà phê rất đa dạng từ pha phin truyền thống đến pha máy, từ loại có vị dịu nhẹ đến loại có vị đậm hơn nhưng vẫn để lại dư vị ngọt ngào”, anh Pramod Nagasam Pagi, du khách đến từ Ấn Độ cho biết.
Bài, ảnh: TUẤN SƠN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.