Xây dựng hệ thống đô thị góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội (kỳ 1)

Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 28-4-2022, Ban TVTU đã ban hành Chương trình hành động số 19-CTr/TU nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Kỳ I: Những kết quả nền tảng bước đầu

Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 28-4-2022, Ban TVTU đã ban hành Chương trình hành động số 19-CTr/TU nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố Nam Định - đô thị loại I, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Thành phố Nam Định - đô thị loại I, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Trong giai đoạn 2015-2020, công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh được tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành chức năng tập trung thực hiện, tạo cơ sở thu hút đầu tư phát triển, xây dựng đô thị. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) là đô thị loại IV và 15 đô thị loại V. Trong các đô thị loại V có 9 thị trấn huyện lỵ (Lâm, Nam Giang, Ngô Đồng, Yên Định, Gôi, Liễu Đề, Xuân Trường, Mỹ Lộc, Cổ Lễ) và 6 thị trấn ở trung tâm thị tứ tiểu vùng (Quỹ Nhất, Cát Thành, Ninh Cường, Rạng Đông, Quất Lâm, Cồn). Các đô thị đã góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển các vùng phụ cận cũng như trên phạm vi toàn tỉnh. Việc lấy các đô thị làm trụ cột, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế là chủ trương đã được tỉnh tập trung thực hiện từ nhiều năm nay.

Trong Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14-9-2005 của Bộ Chính trị; Quyết định số 109/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, thành phố Nam Định được định hướng xây dựng trở thành đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh, thành phố Nam Định đã được tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển diện mạo đô thị theo hướng hiện đại, khẳng định vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và đang hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng. Công tác quy hoạch và phát triển đô thị thành phố Nam Định đã được thực hiện tốt; thành phố vững vàng vị thế là đô thị loại I với các tiêu chí ngày càng được nâng cao, bền vững. Giai đoạn 2015-2020, thành phố đã hoàn thành việc nâng cấp thêm 2 xã ngoại thành lên phường là Lộc Hòa, Mỹ Xá; như vậy, đến nay, thành phố chỉ còn 3 xã ngoại thành là Nam Phong, Nam Vân, Lộc An. Kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông được cải thiện, kết nối thuận lợi với mạng lưới đô thị của vùng Nam đồng bằng sông Hồng và cả nước; tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; hạ tầng thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển đồng bộ, hiện đại và hoạt động hiệu quả. Nhờ đó, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố Nam Định đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt trên 13%.

Công nhân Công ty Cổ phần Công trình đô thị Nam Định trang trí dải phân cách trên đường Võ Nguyên Giáp.

Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, thành phố Nam Định đã tập trung triển khai lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố theo Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 17-9-2020. Đồng thời, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, thành phố Nam Định có không gian đô thị mở rộng theo quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo các điều kiện đô thị trung tâm vùng theo tinh thần của Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18-6-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX, UBND thành phố xác định đi đôi với đầu tư xây dựng là phải nâng cao năng lực quản lý và phát triển đô thị với vị thế là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo của tỉnh; trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, đào tạo, y tế, dịch vụ du lịch của vùng Nam đồng bằng sông Hồng và là đô thị có các giá trị văn hóa lịch sử nổi trội; khu vực có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh. Thành phố Nam Định sẽ phát triển theo mô hình đa cực, xác định sông Đào là trục xương sống, phát triển đều hai bên sông; lấy đô thị cũ làm trung tâm kết nối, tạo các trục kết nối với không gian mở vào trong trung tâm đô thị cũ và trung tâm mới phía nam sông Đào.

Bên cạnh đô thị “đầu tàu” là thành phố Nam Định, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 giải pháp chiến lược nhằm đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nông thôn gồm: phát triển hạ tầng kinh tế nông thôn; nâng cao thu nhập, giảm nghèo; hiện đại hóa nền hành chính công… Việc chọn đô thị hóa nông thôn làm một trong những mũi nhọn đột phá đã giúp tỉnh đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Điểm nhấn trong thúc đẩy đô thị hóa vùng nông thôn là việc tỉnh đã chủ trương thúc đẩy xây dựng các khu đô thị ở trung tâm thị trấn các huyện, khu dân cư tập trung, khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư phát triển trong thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các đô thị đã tạo trụ cột, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và các vùng phụ cận. Sự gia tăng của các đô thị giúp diện mạo, cảnh quan các địa phương ngày càng khang trang, hiện đại với nhiều khu nhà ở có chất lượng, thậm chí có công trình đạt quy mô khu vực giúp cho thị trường bất động sản có tốc độ tăng trưởng khả quan, gia tăng cơ hội phát triển dịch vụ lưu trú, du lịch. Cùng với đó, việc tăng cường nâng cấp, cải thiện hệ thống điện, đường, trường, trạm, các công trình bảo vệ môi trường nước, rác… theo hướng đồng bộ, hiện đại đã tạo vị thế, sức hấp dẫn mới, thu hút các doanh nghiệp tích cực đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu, cụm, điểm công nghiệp tập trung ở các khu vực đô thị, gần đô thị nhằm khai thác, tận dụng các hạ tầng xã hội và kỹ thuật sẵn có như nguồn nhân lực, các cơ sở y tế, giáo dục, đường bộ, đường sắt… Những lợi thế từ thu hút đầu tư kéo theo hàng loạt cơ hội chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, trọng điểm, tạo ra nguồn thu nhập có tích lũy cho một bộ phận người lao động; tăng nguồn thu ngân sách địa phương. Nhiều xã, thị trấn đã vươn lên với tốc độ đô thị hóa nông thôn mạnh mẽ với năng lực phát triển thành đơn vị hành chính mới như xã Trực Phú (Trực Ninh) phát triển thành thị trấn Ninh Cường; các thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) tích cực chuẩn bị các điều kiện để xây dựng trở thành thị xã; phía tây tỉnh thì hình thành khu đô thị mới trên phạm vi địa bàn 4 xã: Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến (Ý Yên)…

Để góp phần phát triển hợp lý hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh đáp ứng những mục tiêu Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025, UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành chức năng và UBND các huyện triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch các thị trấn trung tâm huyện đảm bảo phù hợp với quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, có khả năng tạo đột phá về hạ tầng đô thị; đảm bảo tính liên kết vùng hiện đại, đồng bộ; đa dạng hóa các nguồn lực; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, là công cụ quan trọng, hữu hiệu để quản lý Nhà nước; đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong xu thế mới. Đồng thời góp phần hình thành các cực đô thị phát triển, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hài hòa với môi trường, tăng tỷ lệ đô thị hóa nông thôn. Xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển tập trung, cụ thể nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực phát triển đô thị theo định hướng các quy hoạch được duyệt; làm căn cứ triển khai thực hiện các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn với cảnh quan đô thị. Khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Tạo môi trường sống chất lượng tốt cho dân cư đô thị, đảm bảo lợi ích cộng đồng, hài hòa với lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư. Lập danh mục thứ tự dự án đầu tư xây dựng theo kế hoạch, lộ trình và chiến lược cụ thể trong từng giai đoạn phát triển, đảm bảo phù hợp với các chương trình, mục tiêu phát triển đã đề ra.

(Còn nữa)
Bài và ảnh: Thành Trung

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202208/tac-pham-tham-du-giai-bao-chi-bua-liem-vang-lan-thu-vii-2022-xay-dung-he-thong-do-thi-gop-phan-phat-trien-toan-dien-kinh-te-xa-hoi-ky-1-2552622/