Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, sáng 21-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh là nội dung được nhiều đại biểu... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, sáng 21-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Theo đó, Chính phủ trình 2 phương án: Phương án 1 sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Phương án 2 cơ bản như hiện nay là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.

Qua thảo luận, các đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội)... đề nghị tiếp tục thực hiện như quy định hiện nay theo phương án 2 của Chính phủ, đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đề cao trách nhiệm của từng chủ thể... tránh xáo trộn trong việc tổ chức thực hiện và bảo đảm thuận lợi cho việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự án trình Quốc hội thông qua.

Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật trên cơ sở đánh giá kết quả thực tiễn thời gian qua. Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định liên quan nội dung bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, hiệu lực, hiệu quả.

Về việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu cho rằng, thời gian qua đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn tình trạng xin rút, xin lùi dẫn đến phải điều chỉnh chương trình, ảnh hưởng đến chất lượng làm luật. Do đó, đại biểu cho rằng, Ủy ban Pháp luật đề nghị đưa nội dung này vào sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật là cần thiết nhằm khắc phục các hạn chế trên.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đề nghị cần có sự đổi mới trong cách thực hiện để hạn chế tình trạng lùi, rút, điều chỉnh chương trình như thời gian vừa qua. Theo đó, trong hồ sơ dự án luật, pháp lệnh phải có kế hoạch cụ thể ban hành văn bản quy định chi tiết, thời gian hết hiệu lực của từng văn bản. Có như vậy, mới tránh được tình trạng luật, pháp lệnh được ban hành phải chờ văn bản quy định chi tiết, đồng thời cũng nâng cao được chất lượng của dự thảo luật được xây dựng...

Đầu giờ chiều 21-11, với 442/446 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 91,51% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật Thư viện.

Luật Thư viện gồm 6 chương, 52 điều, quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý Nhà nước về thư viện.

Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thư viện hoặc có liên quan đến hoạt động thư viện trên lãnh thổ Việt Nam.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Thư viện, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể các mô hình thư viện cơ sở giáo dục và thư viện cơ sở giáo dục phổ thông có nhiệm vụ “tổ chức hoạt động đọc sách bắt buộc”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, những nội dung này liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông, thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục, người dạy trong các cơ sở giáo dục. Do đó, Luật đã quy định nguyên tắc về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân làm cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi của Luật Thư viện.

Liên thông thư viện là một trong những điểm mới của Luật nhằm bảo đảm hoạt động thư viện theo hướng hiện đại, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin giữa các thư viện; nhất là liên thông giữa các thư viện được Nhà nước đầu tư với các thư viện khác, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện, khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Luật đã quy định trách nhiệm Nhà nước đầu tư cho hoạt động liên thông; việc thực hiện liên thông là nguyên tắc hoạt động chung của cả thư viện công lập và ngoài công lập; quy định về xây dựng tài nguyên thông tin, phát triển thư viện số làm cơ sở cho việc liên thông; quy định về cơ chế liên thông, trong đó nhấn mạnh tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách Nhà nước phải được liên thông, chia sẻ giữa các thư viện; quy định thư viện được Nhà nước ưu tiên đầu tư làm nòng cốt trong hoạt động liên thông.

Luật cũng quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về thư viện trong phạm vi cả nước, có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện liên thông thư viện, đồng thời, quy định trách nhiệm tổ chức liên thông thư viện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý thư viện.

Luật Thư viện có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.

Cũng trong chiều nay, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình ý kiến các đại biểu./.

PV

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5083/201911/ngay-lam-viec-thu-24-ky-hop-thu-tam-quoc-hoi-khoa-xiv-xay-dung-he-thong-phap-luat-dong-bo-thong-nhat-kha-thi-2534251/