Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý nông nghiệp
Người dân có thể tra cứu thông tin về nông nghiệp để phục vụ sản xuất trên nền tảng WebGIS mã nguồn mở và công nghệ bản đồ tương tác. Trong ảnh: Mô hình trồng nấm của thanh niên ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An). Ảnh: VĂN TÀI
Sở KH-CN vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp tỉnh Phú Yên”. Việc nghiệm thu và đưa vào ứng dụng đề tài này sẽ góp phần hỗ trợ các nhà quản lý trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Đề tài do TS Trần Thái Bình, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) làm chủ nhiệm.
Từ nhu cầu thực tế
Theo TS Trần Thái Bình, Phú Yên có lợi thế đa dạng về địa hình và tiềm năng phát triển nông - lâm - thủy sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, ngành Nông nghiệp thường xuyên phải đối mặt với các nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi. Do đó, ngành Nông nghiệp rất cần hệ thống thông tin để theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh; hỗ trợ công tác ra quyết định, phòng chống và ứng phó dịch bệnh cho người sản xuất. Bên cạnh công tác theo dõi tình hình dịch bệnh, ngành Nông nghiệp cũng rất cần hệ thống quản lý về thông tin và vị trí các trang trại chăn nuôi, các bè nuôi trồng thủy sản, các cơ sở chế biến nông - lâm sản, các cơ sở giết mổ nhằm khoanh vùng ứng phó khi xảy ra dịch bệnh trong chăn nuôi, trồng trọt, cũng như trợ giúp công tác quản lý và kiểm tra.
Sau 3 năm triển khai, đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung được phê duyệt và đạt được các mục tiêu đề ra như: xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về thông tin nông nghiệp tỉnh Phú Yên tương thích với các chuẩn dữ liệu hiện hành; xây dựng, vận hành hệ thống WebGIS thông tin nông nghiệp Phú Yên đảm bảo hiệu quả khai thác, sử dụng; nâng cao năng lực quản lý, vận hành và phát triển hệ thống thông tin nông nghiệp Phú Yên thông qua đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nông nghiệp ở địa phương…
Ứng dụng công nghệ để quản lý
Theo TS Trần Thái Bình, đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp tỉnh Phú Yên”, chủ yếu dựa trên nền tảng WebGIS mã nguồn mở và công nghệ bản đồ tương tác đa thời gian, ứng dụng không chỉ cung cấp các thông tin về hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn cung cấp các thông tin liên quan: Thông tin về khí tượng, thủy văn, thổ nhưỡng và đặc biệt là thông tin về tình hình sâu, bệnh trên cây trồng được thu thập một cách kịp thời thông qua các thiết bị tích hợp GPS. Bên cạnh đó, nguồn dữ liệu viễn thám được kết hợp sử dụng để xây dựng dữ liệu hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp trong thời gian ngắn, giúp nắm bắt tình hình sản xuất và phân bố của các loại cây trồng.
Hiện nay, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt hơn khiến tình hình thời tiết ở Phú Yên tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất thường. Những biến động của thời tiết còn tác động đối với nông nghiệp và an ninh lương thực, ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng, ảnh hưởng sinh sản, sinh trưởng, năng suất, chất lượng, sản phẩm của gia súc, gia cầm... làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.
Xuất phát từ thực tế đó, việc nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp ứng dụng công nghệ WebGIS là vô cùng cần thiết nhằm xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp phục vụ quản lý tình hình sản xuất nông nghiệp và các thông tin liên quan: Thổ nhưỡng, thời tiết, thủy văn, dịch bệnh, sản lượng. Hệ thống cung cấp thông tin nhanh, chính xác phục vụ việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm phát triển bền vững; xây dựng cơ sở dữ liệu về cơ cấu cây trồng, vật nuôi và các dữ liệu liên quan phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp ứng dụng công nghệ WebGIS với khả năng tìm kiếm theo hướng ngữ nghĩa để nâng cao độ chính xác và trích xuất được các thông tin liên quan, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu nông nghiệp.
“Việc xây dựng một hệ thống thông tin cho ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên dựa trên nền tảng GIS là một hướng đi phù hợp. Hệ thống ứng dụng công nghệ WebGIS, cung cấp các chức năng quản lý và cập nhật dữ liệu trực tuyến, chức năng thể hiện thông tin dựa trên công nghệ biểu đồ và bản đồ tương tác đa thời gian. Bên cạnh đó, việc phát triển ứng dụng trên thiết bị di động giúp theo dõi tình hình dịch bệnh tại hiện trường. Các ứng dụng được liên kết thành một cổng thông tin hoàn chỉnh, giúp chia sẻ thông tin hữu ích đến cán bộ quản lý, doanh nghiệp và người dân”, TS Hoàng Thanh Sơn, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam nhận xét.
Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN, kết quả của đề tài là cơ sở khoa học cho việc xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, phục vụ việc tái cơ cấu Nông nghiệp ở tỉnh Phú Yên; góp phần thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp của tỉnh, tạo tiền đề để phát triển không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn ở hầu hết lĩnh vực khác. Hiện nay đề tài đang hoàn chỉnh các thủ tục và sớm chuyển giao cho Sở NN-PTNT đưa vào sử dụng.