Xây dựng hình ảnh người Bình Phước nghĩa tình

Lê Thị Xuân Trang
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh

BPO - Việc xây dựng và phát triển con người thông qua các phong trào yêu nước và cuộc vận động đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là một quá trình quan trọng trong việc nâng cao đời sống và tầm vóc của cộng đồng. Đặc biệt Bình Phước là tỉnh được biết đến trong lịch sử với nhiều địa danh và dấu mốc quan trọng, làm nên những chiến công vang dội trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Dân số Bình Phước rất đa dạng, với hơn 1 triệu dân, bao gồm 41 dân tộc anh em trong cả nước đã hội tụ về xây dựng và phát triển vùng đất này. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng làm nên sự đa dạng, phong phú trong văn hóa của người Bình Phước.

SÔI NỔI CÁC PHONG TRÀO, CUỘC VẬN ĐỘNG

Ngay khi Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 30-9-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; Kết luận số 383-KL/TU ngày 25-6-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh triển khai, thực hiện có hiệu quả 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phát huy kết quả việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” vận động nhân dân phát huy nội lực xây dựng thôn, ấp, khu phố văn hóa. Đồng thời, phối hợp với cơ sở triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” gắn với phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động; đẩy mạnh vận động các nguồn lực ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường; lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh và huyện Phú Riềng thực hiện nghi thức khởi công xây nhà đại đoàn kết cho hộ dân hoàn cảnh khó khăn ở xã Phú Riềng - Ảnh: Trương Hiện

Có thể nói, những năm qua, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Bình Phước đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp, đặc biệt là cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh triển khai rất bài bản; chỉ đạo các cấp xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo và đề ra bộ quy tắc ứng xử cho từng đối tượng, gia đình, cơ quan, cộng đồng để thực hiện với phương châm “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Các phong trào thi đua đã thực sự đi vào đời sống người dân, tạo khí thế mới; góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất, sản lượng, từ đó khai thác tiềm năng, thế mạnh về lao động, đất đai của địa phương.

NHÂN LÊN NHỮNG VIỆC LÀM ĐẸP

Thời gian qua, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã có những đổi mới về nội dung, hình thức, cách làm đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, tạo sự lan tỏa và hiệu quả cao, huy động được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Công tác sơ, tổng kết các chuyên đề được quan tâm, kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình tiên tiến, cách làm hay; quan tâm, động viên tập thể, cá nhân đóng góp tích cực cho các phong trào, cuộc vận động. Công tác khen thưởng, nhất là cách làm sáng tạo, những mô hình hiệu quả thực chất và kịp thời hơn.

Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã phát huy được sự đoàn kết trong toàn dân góp phần xây dựng thôn, ấp, khu phố phát triển về mọi mặt, đời sống nhân dân được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần, số hộ đạt chuẩn “Gia đình văn hóa” và khu dân cư đạt chuẩn văn hóa đều tăng qua từng năm; 100% khu dân cư duy trì hiệu quả việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc nhân kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQVN... Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” đã duy trì và nhân rộng các mô hình giúp nhau giảm nghèo bền vững, mô hình liên kết phát triển kinh tế thông qua việc hướng dẫn thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để hỗ trợ nhau, giải quyết việc làm bán thời gian cho lao động nông thôn...

Nét đẹp văn hóa truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” cũng được thể hiện bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực trong từng khu dân cư, cộng đồng và ở nhiều đối tượng khác nhau, với những phong trào như: “Ngày vì người nghèo”, “Nghĩa tình đồng đội”, “Bếp cơm tình thương”, “Heo đất tặng bạn nghèo”, “Nhà tình thương, nhà đại đoàn kết”, “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Chia sẻ nỗi đau”... Đó là những phong trào mang đậm tính nhân văn, tinh thần đoàn kết nhân ái của con người Việt Nam cần tiếp tục nhân rộng.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế như: Công tác tuyên truyền ở một số đơn vị chưa thường xuyên; nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước chưa sâu. Việc sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình và đề ra giải pháp chưa được tiến hành theo quy định. Cán bộ cơ sở thường xuyên thay đổi nên trong quá trình triển khai còn lúng túng; thiếu kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức thực hiện; việc phối hợp giữa MTTQ với các tổ chức thành viên trong triển khai các nội dung, kế hoạch phối hợp còn hạn chế, thiếu tính đồng bộ, nội dung phối hợp chưa đa dạng…

GÌN GIỮ CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

Ngày nay, đứng trước sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, trong môi trường công nghệ số, thế giới được hiểu theo nghĩa mở, không có biên giới về văn hóa. Để giải quyết tốt những thách thức đặt ra trong thời kỳ mới; tiếp tục xây dựng và phát triển con người Bình Phước thông qua các phong trào yêu nước, cuộc vận động đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, trong thời gian tới, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đưa ra một số giải pháp như: Việc triển khai thực hiện các cuộc vận động, phong trào phải được sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy đảng, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân. Kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện các cuộc vận động, phong trào với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, việc chỉ đạo triển khai phải sâu sát, kịp thời và tăng cường công tác kiểm tra.

Hằng năm, tổ chức Tháng cao điểm “Vì người nghèo” và chăm lo tết cho người nghèo; vận động Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội. Đồng thời, tiếp tục làm tốt vai trò phối hợp với chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tạo thành sức mạnh tổng hợp; lồng ghép thực hiện cuộc vận động với chương trình “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” có trọng tâm, trọng điểm, phát huy tốt nhất các nguồn lực hỗ trợ, tránh dàn trải trong triển khai thực hiện.

Song song đó, duy trì công tác bảo tồn và phát huy hiệu quả các hoạt động giáo dục truyền thống đối với các di tích lịch sử, văn hóa. Giữ gìn các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp; khuyến khích tổ chức lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo tồn nghề truyền thống. Nhất là việc tổ chức tốt "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQVN - Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam".

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/147418/xay-dung-hinh-anh-nguoi-binh-phuoc-nghia-tinh