Xây dựng hình ảnh thân thiện, gần gũi của cơ quan Nhà nước trên không gian mạng
Thứ trưởng Bộ TT&TT bày tỏ tin tưởng sự kết nối đồng bộ của các cổng Thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước sẽ có bước tiến đột phá, góp phần xây dựng hình ảnh thân thiện, gần gũi của các cơ quan Nhà nước trên không gian mạng.
Ngày 14/11, Cổng TTĐT Chính phủ, Văn phòng Chính phủ chủ trì hội nghị kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng với Cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương năm 2024.
Mạng lưới kết nối giữa Cổng TTĐT Chính phủ rất hiệu quả
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước luôn lấy người dân làm trung tâm, phục vụ lợi ích cho nhân dân, luôn đề cao vai trò giám sát cũng như vai trò phản biện của nhân dân và luôn mong muốn người dân tham gia vào hoạt động giám sát quyền lực của các cơ quan Nhà nước.
Để thực hiện hiệu quả vai trò này, việc cung cấp thông tin thông suốt giữa chính quyền các cấp với người dân luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
“Các cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước không còn thuần túy là nơi để đăng tải, cung cấp thông tin mà còn là sự hiện diện của cơ quan nhà nước trên không gian số, nơi tương tác, trao đổi thông tin hai chiều giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp và xã hội”, Thứ trưởng TT&TT nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng TT&TT, cổng TTĐT giúp người dân tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, tránh tình trạng thông tin sai lệch.
Đây là kênh để người dân có thể giao tiếp và tương tác với các cơ quan nhà nước, thực hiện tốt hơn vai trò giám sát và đánh giá các quyết định và hoạt động của chính quyền. Điều này góp phần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.
Nhấn mạnh các cổng TTĐT là "cầu nối" vô cùng quan trọng giữa chính quyền và người dân trong thời đại số, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho biết, hệ thống giám sát EMC của Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận hoạt động của 30 Cổng/Trang TTĐT của các bộ, ngành, 65 trang cấp tỉnh. Có những bộ ngành có lượng truy cập hơn 100 triệu lượt, thể hiện sự quan tâm của người dân.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng TT&TT, quan trọng nhất là mạng lưới kết nối giữa Cổng TTĐT Chính phủ với các cổng TTĐT bộ, ngành, địa phương rất hiệu quả.
Cổng TTĐT Chính phủ không chỉ thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, các lãnh đạo Chính phủ mà còn có thông tin của các bộ, ngành, địa phương. Đây là một sự thay đổi lớn, cung cấp thông tin một cách toàn diện, tổng thể cấp quốc gia.
Ngoài ra, cách thức cung cấp thông tin của Cổng TTĐT Chính phủ rất đa dạng, đưa thông tin lên cả các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Viber, Zalo… Hình thức đưa tin đa dạng như infographic, clip ngắn, dài...; đặc biệt nếu những clip đưa được đến với người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi thì rất hiệu quả.
“Qua theo dõi, có những tin bài của Cổng TTĐT Chính phủ khi đưa lên mạng xã hội có hàng chục triệu người xem. Đây là cách thức thông tin hiệu quả”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương lưu ý các trang của bộ, ngành, địa phương nên nghiên cứu, triển khai rộng rãi hơn.
Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng sự kết nối đồng bộ của các cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước sẽ có bước tiến đột phá, trở thành kênh dẫn dắt, tương tác hiệu quả giữa chính quyền và người dân, góp phần xây dựng hình ảnh thân thiện, gần gũi của các cơ quan Nhà nước trên không gian mạng.
Kênh để lãnh đạo Chính phủ lắng nghe những phản hồi chính sách
Báo cáo tại hội nghị, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm cho biết, hệ sinh thái của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ rất đa dạng và đa nền tảng với gần 40 chuyên trang và sản xuất nội dung với 3 ngôn ngữ Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Trung.
Ngoài ra hiện có 43 Cổng Thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương đã kết nối, tích hợp đầy đủ với trang/cổng thông tin điện tử thành phần. Nhờ sự kết nối này đã tạo sức lan tỏa nhanh chóng, kịp thời, chính xác đến đông đảo người dân, doanh nghiệp và cả kiều bào ở nước ngoài, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng...
Đặc biệt, Fanpage “Thông tin Chính phủ” đang đi đầu với hơn 5,4 triệu người theo dõi thường xuyên, số lượng người truy cập hàng ngày từ 15-20 triệu lượt, có ngày cao điểm lên đến 30 triệu lượt. Bên cạnh đó, Kênh YouTube Thông tin Chính phủ có gần 300.000 người theo dõi với gần 7 triệu view hàng tháng, nhiều video đạt trên 1 triệu lượt xem/video.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cũng đã chủ động cung cấp thông tin trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter, Zalo… về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng.
Đây là kênh để lãnh đạo Chính phủ lắng nghe những phản hồi chính sách từ địa phương để từ đó kịp thời ban hành những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, qua đó tạo sự đồng thuận xã hội.
Đại tá Nguyễn Thị Phương, Phó Chánh văn phòng Bộ Công an cũng đề cập đến việc xây dựng, phát triển hoạt động của trang thông tin Bộ Công an trên mạng xã hội Facebook với lượng tương tác cao.
Bộ Công an là một trong những Bộ đầu tiên triển khai xây dựng Trang thông tin Bộ Công an trên nền tảng Facebook để cung cấp thông tin theo quy định tại Nghị định số 42. Kết quả này là nhờ sự hỗ trợ của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Để phục vụ 2 nhiệm vụ căn bản (Truyền thông chính sách kịp thời đến người dân và doanh nghiệp; phục vụ sự chỉ đạo không chỉ của Chính phủ, Thủ tướng mà còn của các Bộ ngành, địa phương), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đề nghị các bộ ngành, địa phương có kế hoạch đầu tư, nâng cấp hệ thống thông tin.
Về cơ chế chính sách, ông Sơn cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định cho phép dùng vốn chi thường xuyên để đầu tư, nâng cấp các hệ thống thông tin; trong đó có việc kết nối, liên thông thông tin.
Do vậy, vấn đề về vốn không mắc nữa nên phải đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống thông tin để phục vụ tích hợp, kết nối thông tin.
Bộ trưởng nhấn mạnh, phải đầu tư nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực làm việc trực tiếp; đồng thời tổ chức Cổng TTĐT trực thuộc Văn phòng.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị Cổng TTĐT các bộ ngành, địa phương phối hợp với Cổng TTĐT Chính phủ không những truyền thông chính sách một cách kịp thời mà còn phải xử lý những kiến nghị, phản ánh của người dân một cách kịp thời.