Xây dựng Hòa Bình bị xử phạt vì giao dịch không đúng luật với Chủ tịch Lê Viết Hải
Xây dựng Hòa Bình bị phạt do công bố thông tin không đúng thời hạn và ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT khi chưa được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị công ty thông qua…
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC).
Cụ thể, Xây dựng Hòa Bình bị phạt 65 triệu đồng đối với hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đối với các tài liệu sau: Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán; Báo cáo thường niên năm 2022; Thông báo thay đổi thành viên Hội đồng quản trị; Giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau soát xét đối với Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên năm 2022 được soát xét; Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý 4/2022.
Đồng thời, công ty còn bị phạt tiền 125 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này.
Theo đó, Xây dựng Hòa Bình đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 31/3/2020 với ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị để nhận chuyển nhượng bất động sản từ ông Hải với giá trị 120 tỷ đồng khi chưa được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị công ty thông qua.
Như vậy, với tất cả những vi phạm trên, Xây dựng Hòa Bình bị xử phạt với tổng số tiền là 190 triệu đồng.
Ở một diễn biến liên quan, vừa qua Xây dựng Hòa Bình ghi nhận biến động đối với loạt nhân sự cấp cao. Theo đó, công ty đã miễn nhiệm chức vụ Người phụ trách quản trị kiêm người được ủy quyền công bố thông tin đối với ông Nguyễn Văn Tịnh từ ngày 14/6/2024. Đồng thời bổ nhiệm ông Lê Trung Kiên vào vị trí trên, thời gian bổ nhiệm từ ngày 15/6/2024.
Bên cạnh đó, Xây dựng Hòa Bình cũng miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng đối với bà Lê Thị Phương Uyên từ ngày 30/6/2024 và bầu bà Phan Thị Cẩm Hằng đảm nhiệm chức vụ này kể từ ngày 1/7/2024.
Cùng thời điểm trên, bà Nguyễn Kim Loan được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc tài chính từ ngày 15/6. Trước đó, bà Loan giữ chức vụ quyền Giám đốc tài chính.
Trước đó, vào hồi đầu tháng 4/2024, Xây dựng Hòa Bình đã miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Tấn Thọ theo nguyện vọng cá nhân, đồng thời bổ nhiệm ông Lê Văn Viên đảm nhận vị trí này từ ngày 1/5/2024.
Về kết quả hoạt động kinh doanh quý 1/2024, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 38,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 56,5 tỷ đồng, cách xa so với khoản lỗ 444,9 tỷ đồng cùng kỳ.
Điểm sáng trong kết quả kinh doanh quý vừa qua đến từ doanh thu hoạt động tài chính với gần 113,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 2,5 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản lãi bán các khoản đầu tư đạt hơn 109 tỷ đồng.
Trong khi đó, các chi phí đều được tiết giảm như chi phí tài chính giảm 27,3% còn 99,8 tỷ đồng; chi phí bán hàng cũng giảm 14% xuống mức 6,6 tỷ đồng.
Kết quả, Xây dựng Hòa Bình báo lãi sau thuế 56,5 tỷ đồng trong quý 1/2024.
Năm nay, công ty lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tổng doanh thu đạt 10.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu tiên của năm 2024, Xây dựng Hòa Bình đã thực hiện được 15,3% mục tiêu doanh thu và 13% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 13/6, cổ phiếu HBC đóng cửa ở mức 7.850 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của doanh nghiệp trên thị trường đạt khoảng 2.151 tỷ đồng.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), tính đến cuối quý 1/2024, tình hình tài chính của Xây dựng Hòa Bình vẫn còn khá rủi ro. Mặc dù giá trị các khoản phải thu giảm 900 tỷ đồng, từ hơn 11.400 tỷ đồng còn hơn 10.500 tỷ đồng từ quý 1/2023 đến quý 1/2024. Tuy nhiên, giá trị các khoản phải thu vẫn chiếm hơn 70% tổng tài sản và tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cao với 99 lần.
Do đó, ACBS cho rằng công ty cần cải thiện tình hình tài chính trước và cần thời gian để đánh giá tiềm năng thị trường nước ngoài mang lại về biên lợi nhuận, doanh thu xuất khẩu vật liệu.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia ACBS vẫn đánh giá cao cách thức mở rộng ra thị trường nước ngoài khi Xây dựng Hòa Bình vừa làm chủ đầu tư góp vốn, vừa là nhà thầu xây dựng.
Bên cạnh đó, với sự kỳ vọng phục hồi của ngành bất động sản nhờ sớm thông qua các luật quan trọng, sẽ kéo theo sự phục hồi chung của cả ngành xây dựng nói chung và HBC nói riêng.