Xây dựng Hòa Bình, HAGL Agrico sắp bị hủy niêm yết trên sàn HOSE
Trong khi Xây dựng Hòa Bình ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 vượt quá vốn điều lệ, HAGL Agrico đã thua lỗ 3 năm liên tiếp. Hai cổ phiếu HBC và HNG đứng trước nguy cơ chuyển sang giao dịch tại sàn UPCoM.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa gửi thông báo hủy niêm yết bắt buộc đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) và Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HNG). "HOSE sẽ thực hiện hủy niêm yết cổ phiếu công ty theo quy định", thông báo từ Sở cho hay.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng thông báo toàn bộ 34,8 triệu cổ phiếu SD6 của Công ty cổ phần Sông Đà 6 sẽ thuộc diện hủy bỏ niêm yết bắt buộc. Ngày hủy niêm yết 23/8 và ngày giao dịch cuối cùng 22/8.
Sau khi bị hủy niêm yết, theo quy định, HBC, HNG và SD6 sẽ chuyển xuống giao dịch trên sàn UPCoM.
Tại báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ngày 31/12/2023 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bị âm 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp 2.741 tỷ đồng. Theo Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định về việc hủy bỏ niêm yết cổ phiếu, việc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét là một trong các trường hợp cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết.
Trong khi đó, HAGL Agrico và Sông Đà 6 thuộc diện hủy niêm yết do kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục. HAGL Agrico báo lỗ 3 năm liên tiếp 2021 - 2023 với lần lượt 1.119 tỷ đồng, 3.576 tỷ đồng và 1.098 tỷ đồng. Khoản lỗ sau thuế 3 năm gần đây của Sông Đà 6 lần lượt là 2,3 tỷ đồng, 11 tỷ đồng và 160 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2023, khoản lỗ lũy kế của HAGL Agrico đã lên tới hơn 8.100 tỷ đồng, trong khi quy mô vốn điều lệ là 11.085 tỷ đồng. Giá trị vốn chủ sở hữu đạt gần 2.257 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu tổng nguồn vốn gần 14.100 tỷ đồng của doanh nghiệp nông nghiệp này. Tương tự, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Sông Đà 6 xấp xỉ 278 tỷ đồng, “ăn mòn” tới 80% vốn điều lệ. Tỷ trọng lớn hơn trong nguồn vốn lại đến từ khoản vay ngân hàng, vay nợ đối tác nhà cung ứng…
Cập nhật mới nhất về tình hình kinh doanh, Sông Đà 6 tiếp tục thua lỗ trong quý II, nhưng mức lỗ đã giảm 77% so với khoản thua lỗ cùng kỳ.
“Những năm qua, tình hình tài chính của công ty gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm trong khi công tác thu hồi công nợ bị ảnh hưởng do chủ đầu tư thiếu nguồn vốn thanh toán. Trong khi đó, lãi trả chậm quá hạn với các tổ chức tín dụng cũng “đội” chi phí, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh”, đại diện của công ty cho hay.
Cũng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, doanh thu và lợi nhuận gộp của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đều giảm. Tuy nhiên, nhờ được hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi gần 293 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước phải trích lập lớn, Hòa Bình lãi sau thuế 684 tỷ đồng trong quý II/2024 và lãi 741 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Đến thời điểm cuối quý II, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối không còn âm vượt vốn điều lệ khi giảm mức lỗ lũy kế từ 3.239 tỷ đồng xuống 2.498 tỷ đồng.
Tuy vậy, quy định đối với việc hủy niêm yết chỉ dựa vào báo cáo báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất. Chưa kể, tại không ít doanh nghiệp, kết quả kinh doanh trên báo cáo tự lập và báo cáo soát xét/ kiểm toán có thể xuất hiện chênh lệch lớn. Trong đó, khá nhiều trường hợp do khác nhau về đánh giá các khoản dự phòng.
Đầu năm 2024, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.Dự thảo đề xuất bổ sung quy định đối với việc hủy bỏ niêm yết. Cụ thể, thêm "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định". Tính đến thời điểm hiện tại, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán chưa được sửa đổi.
Cũng liên quan đến Nghị định 155, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang rà soát quy định và dự kiến sửa đổi Nghị định 155 để tích hợp IPO và niêm yết. Hiện IPO và niêm yết là 2 quá trình tách biệt, dẫn đến khoảng thời gian giữa thời điểm nộp tiền mua cổ phần và đưa cổ phiếu lên niêm yết khá dài, có thể là 3 tháng hoặc hơn. Việc sửa đổi quy định nhằm giúp rút ngắn hai quá trình này, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư mong muốn giao dịch cổ phếu và khích lệ các doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên niêm yết.