Xây dựng Hòa Bình tái cấu trúc toàn diện

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đang tiến hành tái cấu trúc năm lĩnh vực với kỳ vọng có 'cơ thể' khỏe hơn để vượt qua 'sóng gió'.

Trong khi thị trường xây dựng vẫn còn khó khăn do ít có dự án mới nhưng Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bất ngờ báo lãi trước thuế quý II vừa qua tới 585 tỷ đồng.

Mức lợi nhuận đột biến này gây bất ngờ cho các cổ đông bởi năm ngoái, Hòa Bình ghi nhận khoản lỗ lên đến 2.600 tỷ đồng.

Những tưởng Hòa Bình đã trở lại “đường đua”, nhưng thực tế, hoạt động kinh doanh cốt lõi là thầu xây dựng vẫn lỗ thuần gần 70 tỷ đồng quý vừa qua, khoản lãi có được là do thanh lý tài sản.

Bức tranh tài chính sáng sủa hơn năm trước là kết quả bước đầu của chiến lược lùi lại một bước để làm mới bản thân từng được Tổng giám đốc Lê Văn Nam đề cập tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức mới đây.

Sau thời kỳ xung đột thượng tầng căng thẳng và ổn định lại bộ máy lãnh đạo, Hòa Bình bắt đầu tái cấu trúc toàn diện năm lĩnh vực, bao gồm tài chính, sản phẩm và thị trường, hệ thống quản lý, nguồn nhân lực, và cuối cùng là công ty thành viên, công ty liên kết.

Hòa Bình đang tự làm mới mình

Hòa Bình đang tự làm mới mình

Tái cấu trúc tài chính

Trong bối cảnh khó khăn về dòng tiền, lãnh đạo Hòa Bình quyết định sẽ phát hành thêm 274 triệu cổ phiếu nhằm huy động 3.288 tỷ đồng phục vụ hoạt động kinh doanh.

Trong đó, tập đoàn sẽ phát hành cổ phiếu cho nhà thầu phụ, nhà cung cấp để hoán đổi nợ là 1.050 tỷ đồng và tính đến ngày 30/6, đã có 98 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng.

Còn lại, Hòa Bình sẽ phát hành cho các cổ đông chiến lược khoảng 2.238 tỷ đồng. Theo tiết lộ của ông Nam, đã có bốn đối tác quan tâm và ký bản ghi nhớ; trong đó, có một đối tác đến từ Úc sẵn sàng chi từ 60 - 100 triệu USD để mua cổ phiếu.

Ngoài ra, tập đoàn cũng chuyển nhượng công ty con hoạt động trong lĩnh vực mua bán, cho thuê máy móc thiết bị xây dựng, phục vụ công tác thi công công trình là Công ty TNHH MTV Máy xây dựng Matec và thu về 1.185 tỷ đồng.

Hòa Bình sẽ tiến hành kiểm toán và định giá lại tài sản đất đai và thiết bị xây dựng.

Đối với các thiết bị xây dựng còn lại có giá trị hơn 1.000 tỷ đồng, khấu hao được khoảng 40%, được Hòa Bình đầu tư trước đây với giá hợp lý, nay giá thị trường đã tăng lên nên sẽ định giá lại.

Mảnh đất trên đường Võ Thị Sáu ở quận 3, TP. HCM trước đây là trụ sở tập đoàn, có giá trị sổ sách 30 tỷ đồng nhưng giá thị trường ước tính không dưới 150 tỷ đồng.

Mảnh đất trên đường Tôn Thất Thuyết, quận 4 được một doanh nghiệp gán nợ cho tập đoàn với giá 97 tỷ đồng nhưng lãnh đạo tập đoàn tính toán chỉ cần hoàn thiện thêm pháp lý sẽ có giá không dưới 500 tỷ đồng.

Với việc định giá lại, Hòa Bình ước tính tài sản sẽ tăng thêm khoảng 1.000 tỷ đồng, từ đó sẽ tăng hạn mức tín dụng, bổ sung vốn kinh doanh lưu động cho tập đoàn.

Ngoài ra, Hòa Bình đã đề ra lộ trình xử lý các khoản phải thu. Đối với khoản phải thu kéo dài khoảng 2.742 tỷ đồng, công ty dự kiến sẽ thu về trong vòng ba năm, trong đó, năm 2023 có kế hoạch thu về 995 tỷ đồng và hoàn nhập 257 tỷ đồng; năm 2024 thu về 1.250 tỷ đồng, hoàn nhập 558 tỷ đồng và năm 2025 thu về 497 tỷ đồng, hoàn nhập 243 tỷ đồng.

Đối với khoản phải thu từ khách hàng đã xuất hóa đơn là 3.848 tỷ đồng, Hòa Bình đang thúc đẩy các chủ đầu tư thanh toán theo đúng tiến độ hợp đồng.

Đối với các khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, Hòa Bình thương lượng chuyển đổi thành tài sản. Năm nay, tập đoàn đã nhận thanh toán 58 sản phẩm bất động sản từ Novaland và 20 sản phẩm từ SunGroup.

Đối với khoản phải thu theo tiến độ là 3.665 tỷ đồng, Hòa Bình đã thi công và đang trong quá trình hoàn thành hồ sơ thanh toán, xuất hóa đơn.

Để giảm khoản thu này trong tương lai, Hòa Bình sẽ chuẩn hóa lại các hợp đồng, trong đó đưa điều khoản thanh toán có lợi cho tập đoàn đối với các dự án sắp tới.

Đối với các khoản vay ngân hàng, Hòa Bình cũng sẽ cấu trúc lại bằng cách giảm tỷ lệ vay trên vốn chủ sở hữu, đưa về mức an toàn để đảm bảo hoạt động bền vững; đồng thời, chuyển đổi khoản vay ngắn hạn sang trung và dài hạn, ưu tiên các khoản vay dài hạn bằng cách phát hành trái phiếu.

Bài học quản trị từ xung đột thượng tầng ở Xây dựng Hòa Bình

Hòa Bình sẽ thoái vốn đối với các khoản đầu tư không hiệu quả vào các công ty con, công ty liên kết. Còn với các công ty con hoạt động hiệu quả sẽ tiến tới trở thành doanh nghiệp đại chúng.

Không chạy theo doanh thu

Trong khoảng thời gian dài trước đây, Hòa Bình luôn giữ vị trí á quân các doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam, chỉ xếp sau Coteccons. Một trong những tiêu chí làm căn cứ để xếp và duy trì vị trí đó là tổng doanh thu hàng năm và vì thế, Hòa Bình phần nào đã chạy theo doanh thu.

Tuy nhiên, Hòa Bình sẽ thay đổi, không còn chạy theo doanh thu mà chú trọng vào chất lượng doanh thu bằng cách chọn dự án tốt, chủ đầu tư uy tín, dự án khả thi để tham gia đấu thầu.

Tập đoàn sẽ mở rộng mảng xây dựng công nghiệp vì dòng tiền tốt, thời gian quay vòng vốn ngắn. Đây không phải là mảng mới vì trước đây tập đoàn từng thi công dự án nhà máy theo Formosa và dự án nhà máy thép của Hòa Phát ở Dung Quất.

Thị trường nước ngoài cũng là một trong những ưu tiên của Hòa Bình trong giai đoạn tới. Xuất khẩu xây dựng là một trong những tâm huyết của Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải và thực tế tập đoàn đã có những bước chuẩn bị trước đó nhưng do lý do khách quan nên chưa thực hiện được.

Mở rộng đấu thầu các dự án hạ tầng, đầu tư công thông qua công ty con cũng sẽ được Hòa Bình triển khai quyết liệt. Thời gian qua, công ty con là 479 liên tục trúng thầu dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu An Hạ. Song song với việc đóng vai trò là nhà thầu xây dựng, Hòa Bình cũng sẽ triển khai mô hình hợp tác đầu tư.

Mở tài khoản riêng từng dự án

Lãnh đạo Hòa Bình sẽ chú trọng đến yếu tố nhận diện và quản trị rủi ro. Cụ thể, ban pháp chế tập đoàn sẽ nghiên cứu những thay đổi của các bộ luật trong thời gian tới như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp để có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời.

Ngoài ra ban truyền thông - tiếp thị của tập đoàn cũng tăng cường quản trị vấn đề truyền thông.

Đáng chú ý, Hòa Bình sẽ mở tài khoản riêng cho từng dự án để quản lý dòng tiền. Trong trường hợp chủ đầu tư thanh toán chậm, dòng tiền bị âm, dự án đó tự động dừng thi công, sẽ không ảnh hưởng tới hệ thống tài chính của tập đoàn và các dự án khác.

Tập đoàn cũng tiến hành cải tiến hệ thống mua hàng và chuỗi cung ứng.

Bỏ cơ chế xin cho, yếu tố gia đình

Hòa Bình sẽ tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu quả, trong đó, cơ cấu tổ chức sẽ giảm từ 30 phòng ban xuống 18 phòng ban.

Tập đoàn hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực quản lý và tăng năng suất lao động bằng cách thường xuyên tuyển dụng, sàng lọc đội ngũ nhân sự để tìm kiếm nhân tài; đồng thời, bỏ cơ chế xin cho, yếu tố gia đình vốn dẫn đến năng suất lao động giảm và khiến tập đoàn mất lợi thế cạnh tranh.

Hứa Phương

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/xay-dung-hoa-binh-tai-cau-truc-toan-dien-1691033756896.htm