Xây dựng Hòa Bình thu hút vốn Hàn?
Gặp nhiều thách thức trong những tháng đầu năm nay, nhưng các doanh nghiệp xây dựng tiếp tục được các quỹ ngoại ưa chuộng. Điển hình, mới đây quỹ đầu tư danh tiếng Hàn Quốc Korea Invesetment Management (KIM) đã trở thành cổ đông chiến lược của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HBC) với tỷ lệ sở hữu hơn 5%.
Có vẻ như Hòa Bình là lựa chọn ưa thích của giới đầu tư Hàn Quốc, bởi trước đó không lâu, doanh nghiệp chuyên mảng thang máy Hyundai Elevator đã rót 575 tỷ đồng thâu tóm 25 triệu cổ phiếu HBC với mức giá chào mua cao hơn 50% so với thị giá.
Trong nửa đầu năm nay, kết quả kinh doanh của Hòa Bình không được khả quan. Tập đoàn này ghi nhận doanh thu chỉ đạt 9.032 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 172 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng do giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn, nên lợi nhuận ròng nửa đầu năm đã sụt giảm 42% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, các nhà đầu tư ngoại vẫn tin tưởng vào triển vọng trong trung và dài hạn của ngành xây dựng Việt Nam nhờ kinh tế tăng trưởng tốt. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường xây dựng trong thời gian tới có thể sẽ khả quan hơn do chính quyền TP.HCM đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án chậm triển khai, chính phủ đang tập trung đẩy mạnh khâu giải ngân vốn đầu tư công. Về lâu dài, tăng trưởng dân số và sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu là nhân tố hỗ trợ lực cầu về dài hạn cho thị trường bất động sản.
Động lực cho tăng trưởng của ngành xây dựng còn đến từ nhu cầu xây dựng nhà xưởng, văn phòng gia tăng mạnh mẽ của khối các doanh nghiệp nước ngoài đang đổ mạnh vào Việt Nam, trong đó có sự đóng góp tích cực của khối các doanh nghiệp Hàn Quốc. Đơn cử như trên mảng bán lẻ, sau khi xây dựng thành công siêu thị đầu tiên tại Gò Vấp (TP.HCM), chuỗi siêu thị Emart loan báo muốn mở rộng quy mô lên 50 siêu thị trên khắp cả nước.
Trên mảng bất động sản nhà ở, Tập đoàn GS của Hàn Quốc đang phát triển một loạt các dự án lớn tại Nhà Bè hay quận 9 (TP.HCM). Đặc biệt trên mảng hạ tầng giao thông, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã và đang bày tỏ ý định được tham gia vào loạt các công trình quan trọng như các tuyến cao tốc, sân bay...
Rõ ràng, việc trở thành cổ đông lớn trong một thương hiệu xây dựng có bề dày kinh nghiệm như Hòa Bình là tính toán khôn ngoan của người Hàn khi có thể tận dụng cơ hội từ làn sóng chuyển dịch mạnh mẽ đến Việt Nam của chính bản thân các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Về phía Hòa Bình, việc tham gia của các nhà đầu tư mới có tiềm lực tài chính là sự bổ sung đầy thiết thực, mang tới một dòng tiền mới để thực hiện những toan tính mới. Hiện Hòa Bình đang thực hiện chiến lược bành trướng khá rộng, thậm chí sang các lĩnh vực mới như thi công cầu đường, phát triển các dự án bất động sản. Mới đây, tập đoàn này còn lấn sân sang cả mảng tài chính với sự kiện cho ra đời quỹ đầu tư mang tên Hòa Bình Infinity.
Mục tiêu của quỹ này là quản lý các nguồn quỹ, vốn và khởi tạo ra các công cụ quản trị tài chính hiệu quả theo đặc thù của ngành xây dựng để thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh và phát triển thị trường nước ngoài như Mỹ, Canada, Úc, châu Âu…
Hòa Bình sẽ đóng góp 40-50% trong số vốn ban đầu vào quỹ. Sau khi huy động quỹ, giá trị danh mục có thể lên đến tối đa 500 triệu USD bao gồm tài sản góp vào và các dự án đầu tư của các quỹ thành viên và đối tác. Kế hoạch phân bổ của quỹ Hòa Bình Infinity là dành khoảng 65% đầu tư các dự án bất động sản tại Việt Nam và quốc tế, dành 15% mua trái phiếu Chính phủ, 10% đầu tư cổ phiếu, hỗ trợ start-up và 10% rót vốn vào công nghệ.
Tất nhiên, việc tham gia quá nhiều lĩnh vực có thể mang đến thách thức về năng lực quản trị của Hòa Bình. Nhưng với sự tham gia của các đối tác chiến lược có thương hiệu toàn cầu, Hòa Bình có thể sẽ có cơ hội xây dựng thành công hệ sinh thái kinh doanh mới, đó là tổng thầu xây dựng - chủ đầu tư bất động sản - quản lý tài chính theo hướng hiện đại.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/xay-dung-hoa-binh-thu-hut-von-han-93359.html