Xây dựng, hoàn thiện chính sách quan trọng cho ngành công nghiệp
Bộ Công Thương cho biết, đã chú trọng tham mưu, xây dựng nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng cho phát triển các ngành công nghiệp.
Gỡ điểm nghẽn chính sách
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), xác định công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, năm 2024, Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai xây dựng, đề xuất nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng cho phát triển các ngành công nghiệp.
Điểm qua một số chính sách, đáng chú ý, Bộ Công Thương đã hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm: Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến, 02 lần lấy ý kiến các bộ, ngành, 01 lần thẩm định của Bộ Tư pháp và nhiều buổi tọa đàm, làm việc với các chuyên gia để hoàn thiện, Cục Công nghiệp đã báo cáo Lãnh đạo Bộ lấy ý kiến bộ, ngành và đăng tải thông tin về dự thảo mới nhất của Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm để trình Chính phủ cho ý kiến. Dự kiến sẽ đăng ký bổ sung vào Chương trình xây dựng luật năm 2025-2026 của Quốc hội.
Liên quan đên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển Công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, ngày 20/11/2024, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 9376/TTr-BCT gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn về việc tiếp thu, giải trình ý kiến Bộ, cơ quan liên quan đối với dự thảo Nghị định. Sau khi tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 8621/VPCP-CN ngày 22/11/2024, Bộ Công Thương có Tờ trình Chính phủ số 10453/TTr-BCT ngày 20/12/2024 về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan đối với dự thảo Nghị định.
Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã được Bộ Công Thương triển đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016- 2025 để làm cơ sở nghiên cứu xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026-2035.
Đáng chú ý, việc xây dựng, hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành: Thép, ô tô, sữa, hiện Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương là đơn vị chủ trì xây dựng nội dung chiến lược. Cục Công nghiệp chịu trách nhiệm phối hợp để đảm bảo chất lượng nội dung các chiến lược.
Với nội dung này, ông Nguyễn Khắc Quyền- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho biết, trong năm 2024, Viện xây dựng các chiến lược nêu trên theo đúng quy trình và quy định, bảo đảm chất lượng và tiến độ. Theo đó, Cục Công nghiệp đã phối hợp với Viện đôn đốc các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, tổ chức, ... cho ý kiến để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Chương trình và sớm trình Thủ tướng Chính phủ. “Trong năm 2025, Viện sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Công nghiệp đôn đốc các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, tổ chức, cho ý kiến để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo chương trình và sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt”- ông Nguyễn Khắc Quyền nói.
Đối với xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành Dệt may, Da giầy giai đoạn 2021 – 2030 (nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 115/NQ-CP và Quyết định 1643/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Chiến lược phát triển ngành Dệt may, Da giầy Việt Nam), hiện Bộ Công Thương đã có dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giầy đến năm 2030, tầm nhìn 2035.
Chia sẻ thêm về các chính sách liên quan đến lĩnh vực công nghiệp, TS Vũ Văn Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết, Viện đang tích cực tham mưu với Bộ Công Thương ở lĩnh vực cơ chế phát triển ngành công nghiệp chế tạo cho thiết bị điện gió ven bờ và điện mặt trời, điện khí. “Viện Nghiên cứu Cơ khí cam kết ngoài sẽ cử người tốt nhất của Viện tham gia nội dung xây dựng văn bản pháp luật nêu trên để đáp ứng chất lượng tiến độ trong thời gian tới”- Tiến sĩ Vũ Văn Khoa cho hay.
Kỳ vọng đón nhiều chính sách mới thúc đẩy phát triển công nghiệp
Bộ Công Thương cho rằng, trong giai đoạn tới, để công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh cho phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp trên thị trường toàn cầu.
Nêu giải pháp, ông Lương Đức Toàn, Phó Trưởng phòng công nghiệp chế tạo - Cục Công nghiệp bày tỏ, thời gian tới còn nhiều việc phải làm, trong đó phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành các Nghị định, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Điện lực (sửa đổi) và Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam.
“Phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó chú trọng việc phát triển các dòng xe chiến lược, xe thân thiện với môi trường và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa”- ông Lương Đức Toàn nói.
Đồng thời, Cục Công nghiệp sẽ triển khai công tác kiểm tra định kỳ đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
“Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai một số dự án sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô lớn trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật liên quan về đầu tư xây dựng công trình, điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô…”- ông Lương Đức Toàn nêu.
Đi vào chi tiết, cụ thể ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp chỉ ra, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chung về phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên để chế hóa các chủ trương mới của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo cơ sở pháp lý thống nhất để thúc đẩy phát triển công nghiệp nhanh và bền vững.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành các nghị định, văn bản hướng dẫn Luật Điện lực (sửa đổi) và nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Đồng thời khẩn trương tham mưu để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp quan trọng như cơ khí, ô tô, thép… nhằm tận dụng cơ hội thị trường rất lớn từ các ngành năng lượng và giao thông trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tiếp tục tham mưu trình Chính phủ sớm phê duyệt Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. “Khẩn trương đề xuất ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn mới (2025 - 2035) để tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp nội địa đáp ứng các yêu cầu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đón đầu các cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài mới”- ông Nguyễn Ngọc Thành nhấn mạnh.
Để thực hiện tốt hơn nữa chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Công Thương trong công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, Cục Công nghiệp đề nghị các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, bố trí nguồn lực phù hợp và hỗ trợ Cục Công nghiệp hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trong công tác xây dựng chính sách như Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, các Nghị định, Thông tư... Bên cạnh đó, tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.