Xây dựng hợp tác xã rau sạch ở Vĩnh Tân

Áp dụng quy trình trồng rau VietGAP, nhiều nông dân ở xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) không còn phải chịu cảnh vườn rau đang xanh tốt bỗng nhiên rụi dần. Không cần bón nhiều phân, phun nhiều thuốc mà rau vẫn xanh tốt, lợi nhuận thu được từ vườn rau nhờ đó cũng cao hơn.

Nhờ tham gia mô hình trồng rau theo chuẩn VietGAP mà gia đình ông Phạm Đình Mạnh ở ấp 3, xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) đã có thu nhập ổn định. Ảnh: H.Yến

Nhờ tham gia mô hình trồng rau theo chuẩn VietGAP mà gia đình ông Phạm Đình Mạnh ở ấp 3, xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) đã có thu nhập ổn định. Ảnh: H.Yến

* Tạo thu nhập ổn định

Năm 2017, ông Phạm Đình Mạnh quyết định về khu vườn ở ấp 3, xã Vĩnh Tân để “tái khởi nghiệp” với nghề trồng rau. Khu vườn rộng 2 ngàn m2 được ông trồng đủ loại rau ăn lá: mồng tơi, cải xanh, cải ngọt, xà lách, rau muống… Hai vợ chồng cần mẫn chăm sóc cho vườn rau nhưng kết quả ban đầu khiến ông muốn bỏ cuộc. Rau đang mọc lên tươi tốt bỗng dưng lá dần ngả màu rồi rụi dần…

Năng suất tăng hơn 17%

ThS.Vũ Mạnh Hà, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững cho biết, sau khi thực hiện dự án (từ tháng 12-2017 đến tháng 5-2019), năng suất của các vườn rau tham gia dự án tăng từ 17,1-21,1%. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế cũng tăng từ 17,1-27,2% so với vườn sản xuất đại trà. Ngoài ra, trong thời gian thực hiện dự án, trung tâm cũng đã chuyển giao kỹ thuật cho hơn 120 lượt nhà vườn, tổ chức 1 hội thảo với sự tham gia của 40 nhà vườn trên địa bàn.

May mắn là trong năm 2017, Sở Khoa học - công nghệ thực hiện dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Vĩnh Tân. Dự án do Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững (huyện Trảng Bom) chủ trì thực hiện. 9 hộ dân trồng rau ở khu vực xã Vĩnh Tân đã được vận động tham gia vào dự án này, trong đó có ông Mạnh.

Mẫu đất, mẫu nước ở vườn rau nhà ông Mạnh được đem đi phân tích và cho thấy có độ pH rất thấp. Các cán bộ khoa học của trung tâm đã hướng dẫn ông Mạnh xử lý đất phèn bằng cách sử dụng vôi và chế phẩm sinh học. Các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ cũng được hướng dẫn thay thế phân bón, thuốc trừ sâu hóa học lâu nay bà con nông dân vẫn dùng.

“Sau khi làm theo hướng dẫn của cán bộ khoa học, vườn rau nhà tôi lên xanh tốt hẳn. Tôi chỉ phải bón lót phân vi sinh, mỗi lứa rau chỉ phải phun thuốc 1 lần, thay vì phải phun 2-3 lần như trước đây. Nhiều lần các cán bộ kỹ thuật xuống đột xuất ở vườn rau nhà tôi để lấy mẫu thử. Kết quả đều không thấy tồn dư chất bảo vệ thực vật trong rau” - ông Mạnh vui vẻ cho biết.

Áp dụng kỹ thuật, quy trình trồng rau VietGAP, mỗi ngày vợ chồng ông Mạnh thu được khoảng 500 ngàn đồng từ vườn rau này.

* Hướng đến hợp tác xã rau sạch

Ngoài ông Mạnh còn có 8 hộ nông dân khác tham gia dự án trồng rau VietGAP với tổng diện tích vườn rau là 4,5 hécta và thành lập Tổ Liên kết rau an toàn Vĩnh Tâm. Trong đó, ông Nguyễn Văn Lâm (ấp 6, xã Vĩnh Tân) được bầu là Tổ trưởng. Gia đình ông Lâm có 1 hécta tham gia dự án, chủ yếu trồng các loại rau ăn trái như: mướp, bầu, bí… Bản thân ông Lâm đã có 15 năm kinh nghiệm trồng các loại rau ăn trái, thu nhập của gia đình khá ổn định nhưng vẫn mong muốn trồng rau an toàn. Vì thế, ngay từ khi dự án khởi động, ông Lâm đã rất hăng hái, nhiệt tình tham gia.

Nguy cơ trở về thói quen sản xuất cũ

Sau khi kết thúc dự án, không phải hộ nông dân nào cũng tích cực duy trì quy trình, kỹ thuật trồng rau VietGAP. Một số quy định như: nhật ký ghi chép, quy định về thời gian phun xịt thuốc… đã không thực sự được tuân thủ. Kết thúc dự án, nếu những người nông dân này không tìm được đầu ra cho sản phẩm rau sạch thì việc “trở về” với cách sản xuất cũ là điều sớm muộn.

Đến cuối năm 2019, dự án trồng rau VietGAP ở Vĩnh Tân do Sở Khoa học - công nghệ triển khai đã kết thúc nhưng ông Lâm không muốn dừng lại ở đó. Ông cùng một số thành viên của Tổ Liên kết rau an toàn Vĩnh Tâm vận động thêm những hộ nông dân khác trong vùng để thành lập Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ Vĩnh Tâm. Không những vậy, ông còn tiếp tục liên hệ với các tổ chức khoa học nông nghiệp khác để được hướng dẫn trồng rau, cây ăn trái theo hướng sinh học; mô hình vườn rau thủy canh cũng là một trong những “giấc mơ” mà ông đang ấp ủ.

“Không phải nông dân nào cũng mặn mà với việc áp dụng quy trình, kỹ thuật trồng rau sạch. Điều mà họ lo ngại nhất chính là đầu ra cho sản phẩm. Họ sợ trồng được rau sạch nhưng không biết bán đi đâu. Trong khi đó, hiện nay do sản lượng rau sạch của mình còn ít nên chúng tôi không dám ký hợp đồng cung cấp rau sạch cho các doanh nghiệp có nhu cầu” - ông Lâm trăn trở.

Được biết, tháng 6-2019, Tổ Liên kết rau an toàn Vĩnh Tâm đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện có 4/9 thành viên của tổ liên kết này đồng ý tham gia vào Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ Vĩnh Tâm. Ngoài ra, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu cũng sẽ tham gia, nâng tổng số thành viên của hợp tác xã lên 20 người. Đến nay, các thủ tục thành lập hợp tác xã đã hoàn thành và sẽ chính thức đi vào hoạt động trong tháng 2 này.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202002/xay-dung-hop-tac-xa-rau-sach-o-vinh-tan-2987494/