Xây dựng huyện Bến Lức trở thành đô thị vệ tinh quan trọng của TP.HCM
Huyện Bến Lức là 1 trong 5 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An, 'cầu nối' giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định huyện Bến Lức trở thành đô thị vệ tinh của cửa ngõ TP.HCM và Vùng ĐBSCL, phấn đấu đến năm 2030 đạt đô thị loại III trực thuộc tỉnh, giai đoạn dài hạn đến năm 2045 phấn đấu xây dựng đô thị Bến Lức theo chỉ tiêu đô thị loại II.
Những thành tựu về quy hoạch đô thị
Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út chia sẻ, tỉnh Long An sở hữu vị trí gần TP.HCM nhưng lại có mật độ dân số thấp hơn, thêm vào đó là khả năng di chuyển thuận tiện, nhanh chóng nên huyện Bến Lức trở thành một trong những khu vực triển khai chính sách đô thị hóa. Bên cạnh đó, tỉnh phát triển hạ tầng giao thông, kết nối với TP.HCM đã giúp thị trường bất động sản về nhà ở tại huyện có thêm động lực tăng trưởng.
Theo đó, huyện Bến Lức đang phát triển theo định hướng quy hoạch của tỉnh, là khu vực phát triển đô thị, dân cư gắn với các khu, cụm công nghiệp (K,CCN) tập trung kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ. Huyện đang tập trung thu hút đầu tư theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và các loại công nghiệp khác.
Đồng thời, huyện cũng là khu vực có tiềm năng phát triển dịch vụ như đào tạo, y tế chất lượng cao, văn hóa, thể thao, thương mại, du lịch sinh thái, giải trí, nghỉ dưỡng,... và là khu vực phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Bến Lức được định hướng phát triển đô thị là công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ tổng hợp, tạo thành hành lang phát triển đô thị trung tâm ở Bến Lức - Tân An.
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, huyện có 13 KCN hiện hữu và mở rộng với diện tích 4.551ha như KCN Vĩnh Lộc 2, Thuận Đạo, Nhựt Chánh, Phúc Long, Thịnh Phát, Phú An Thạnh, Prodezi, Tandoland,… Trong đó, huyện tập trung phát triển theo hướng thương mại - dịch vụ, logistics 469ha. Ngoài ra, huyện cũng bố trí đất ở cho toàn huyện là 6.395ha.
Theo kế hoạch phát triển, đối với khu vực phía Nam đô thị Bến Lức, huyện bố trí 3.261ha đất ở, trong đó có một số dự án đã được UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát, tài trợ kinh phí lập quy hoạch và tổ chức đấu thầu dự án như khu đô thị sinh thái. Điển hình là dự án khu đô thị Waterpoint, xã An Thạnh đang được triển khai hoàn thiện.
Dự án này tạo nên một môi trường sống hấp dẫn, an toàn, lành mạnh, nâng cao chất lượng sống của người dân cũng như cung cấp đủ điều kiện phát triển cho người dân sống trong dự án mà vẫn bảo đảm hài hòa với sinh thái tự nhiên.
Khu vực phía Bắc của huyện được định hướng phát triển đô thị sinh thái và công nghiệp, phù hợp phát triển các KCN đến năm 2030 của tỉnh. Trong đó, bố trí 2.709ha như KCN Prodezi, Tandoland, Hải Sơn, Vsip Becamex; phát triển đất ở khu đô thị 3.133ha. UBND tỉnh đã cho lập quy hoạch khu đô thị 1.200ha xã Lương Hòa. Ngoài ra, khu vực này còn bố trí đất thương mại - dịch vụ 200ha.
Khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông của đô thị Bến Lức được định hướng phát triển công nghiệp - đô thị sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như quy hoạch khu đô thị sinh thái thông minh Bình Đức, khu phức hợp đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Thạnh Lợi, khu đô thị kết hợp thương mại, vui chơi, giải trí. Đặc biệt, tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM dự kiến qua khu vực trên tạo điều kiện phát triển kinh tế cho 3 xã: Bình Đức, Thạnh Hòa và Thạnh Lợi.
Đầu tư vì sự phát triển
Trong Quy hoạch tỉnh, huyện Bến Lức được xác định có vị trí địa lý hết sức quan trọng là đô thị vệ tinh của cửa ngõ TP.HCM và là cửa ngõ đi các tỉnh, thành phố Vùng ĐBSCL.
Huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành đô thị loại IV, đến năm 2030, phấn đấu trở thành đô thị loại III trực thuộc tỉnh, giai đoạn dài hạn đến năm 2045 phấn đấu xây dựng đô thị Bến Lức theo chỉ tiêu đô thị loại II.
Trong đó, huyện chú trọng phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ theo hướng thông minh, hiện đại; hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp thoát nước, cấp điện ngày càng phát triển đồng bộ với hạ tầng xã hội như bệnh viện, trường học, văn hóa, thể dục - thể thao, vui chơi, giải trí;... được đầu tư tại các dự án khu dân cư đô thị, hứa hẹn đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên.
Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên các trục giao thông chính, Bến Lức trở thành huyện đầu tàu trong phát triển KT-XH của tỉnh. Đặc biệt, huyện được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và tỉnh, mạng lưới giao thông phát triển mạnh mẽ kết nối TP.HCM và Vùng ĐBSCL.
Với lợi thế gần thành phố lớn, nhiều đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia đi qua, huyện Bến Lức thông thương đường thủy, đường bộ, dễ dàng tiếp cận với Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, Sân bay Long Thành,... Điều này tạo điều kiện tốt cho việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, còn có Cảng Cẩm Nguyên, Cảng Bourbon có khả năng tiếp nhận tàu, xà lan có tải trọng đến 5.000 tấn, góp phần rất lớn trong việc bốc xếp hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Đến nay, huyện Bến Lức có 11 K,CCN, trong đó có 9 K,CCN đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 90% và 2 KCN là Tandoland, Prodezi vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích 650ha. Trên địa bàn huyện hiện có 2.527 doanh nghiệp trong nước với nguồn vốn 30.724 tỉ đồng, 120 doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn trên 1,3 tỉ USD.
Trong năm 2022, huyện Bến Lức tiếp nhận nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước với vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng. Với số lượng doanh nghiệp trên địa bàn, quy mô nền kinh tế huyện chiếm trên 32% giá trị sản xuất toàn tỉnh. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất là 35,14% trên toàn tỉnh, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 30,23% toàn tỉnh, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất là 3,6% toàn tỉnh.
Được xác định là một trong những huyện nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, Bến Lức đang thực hiện nhiều biện pháp thu hút đầu tư, đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, huyện tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật khác theo quy hoạch phát triển KT-XH.
Theo ông Lê Thành Út, việc phát triển đô thị vệ tinh sẽ giúp cho huyện phát triển tốt về KT-XH nhưng phát sinh nhiều khó khăn, giá đất cao, khó khăn trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều khu dân cư nhỏ, lẻ, ảnh hưởng đến quá trình quy hoạch phát triển chung của huyện và các dự án khác. Tuy vậy, với những thành tựu về quy hoạch đô thị hiện nay, huyện có nhiều dư địa, điều kiện thuận lợi và tiềm năng để trở thành đô thị vệ tinh quan trọng của TP.HCM./.