Xây dựng huyện thành quận: Hướng tới mục tiêu dân giàu, kinh tế mạnh: Bài 3: Khó khăn còn ở phía trước
Để trở thành quận, 5 huyện gồm Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng đang tích cực hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu để sớm cán đích theo đúng chủ trương của thành phố. Song trên thực tế, việc hoàn thành một số tiêu chí liên quan đến quy hoạch chung của Thủ đô, cân đối thu chi ngân sách, tỷ lệ cấp nước sạch cho các hộ dân… vẫn gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào các quy định cũng như tiến độ hoàn thành các dự án có liên quan.
Khó vì... thiếu dự án, thiếu quy hoạch
Là một trong 2 huyện được kỳ vọng sẽ cán đích sớm, song Gia Lâm đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoàn thiện các tiêu chí theo quy định.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Gia Lâm chỉ có 60% địa giới hành chính nằm trong khu vực phát triển đô thị, còn lại vẫn là khu vực nông thôn. Huyện đã đề xuất thành phố chỉ đạo ngành chức năng lập Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh, bảo đảm huyện Gia Lâm đủ điều kiện phát triển thành quận.
Đồng chí Đặng Thị Huyền cũng cho biết, theo Đề án thành lập quận và các phường thuộc quận, Gia Lâm dự kiến thành lập 16 phường (giảm 6 đơn vị hành chính cấp xã). Vì vậy, huyện cũng sẽ phải giải quyết một khối lượng công việc rất lớn liên quan đến phương án kiện toàn, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức, trụ sở… để bảo đảm bộ máy của 16 phường vận hành hiệu quả.
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng chia sẻ, tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc triển khai thực hiện một số tiêu chí phát triển thành quận sẽ khó khăn hơn do số tiêu chí tăng lên; một số tiêu chí, tiêu chuẩn cũng tăng cao. Trong khi đó, nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí theo tiêu chuẩn mới rất khó khăn đặc biệt là tiêu chí cân đối thu - chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị… do vậy khối lượng công việc để tiếp tục thực hiện Đề án của huyện Đan Phượng rất lớn.
Đồng chí Nguyễn Thạc Hùng cũng cho biết, hiện quy hoạch xây dựng vùng huyện Đan Phượng chưa được phê duyệt. Trên địa bàn huyện, các khu đô thị chiếm diện tích lớn. Tuy nhiên, hiện nay, một số dự án phát triển đô thị vẫn chưa triển khai đầu tư xây dựng, ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu mật độ đường giao thông đô thị. Các vườn hoa, sân chơi theo quy hoạch trên địa bàn huyện phần lớn có diện tích nhỏ, nằm trong khu dân cư; trong khi đó dự án công viên cây xanh Tân Hội - Tân Lập chiếm diện tích lớn, chưa thể triển khai do chưa có cơ chế để kêu gọi đầu tư, chưa có nhà đầu tư nào triển khai do quy mô dự án rất lớn…
Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức Phùng Bá Nhân cũng chia sẻ, đối chiếu quy định về diện tích và dân số tối thiểu của khu vực dự kiến thành lập phường, huyện Hoài Đức có 3 đơn vị hành chính cấp xã không đáp ứng tiêu chí về dân số, diện tích, phải triển khai các thủ tục để sắp xếp theo quy định. Ngoài ra, về một số tiêu chí mới được ban hành, Hoài Đức sẽ phải thực hiện bổ sung đầu tư một số dự án để đạt được các tiêu chí như: Công trình xanh (huyện chưa có); trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia (mới đạt 2/4 trường); cơ sở hạ tầng thương mại; đất xây dựng. Về phát triển đô thị, theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Hoài Đức còn khoảng 1/3 diện tích đất nằm phía Tây đường Vành đai 4 (ngoài vùng phát triển đô thị) chưa được quy hoạch là vùng phát triển đô thị. Hiện, thành phố và các sở, ngành đang trình Chính phủ thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch.
Cùng với khó khăn chung của huyện Hoài Đức, Bí thư Đảng ủy xã Lại Yên (huyện Hoài Đức) Lê Văn Hường cũng cho biết, xã còn 4 tiêu chí chưa thực hiện được, đó là: Cân đối thu chi ngân sách, thu gom xử lý nước thải sinh hoạt, đất công trình văn hóa thể dục thể thao, cơ sở hạ tầng trung tâm thương mại. Về trung tâm thương mại, xã đã có quy hoạch địa điểm nhưng lại chưa có dự án. Về sân vận động xã, hiện đã có dự án, kinh phí huyện đầu tư 30 tỷ đồng, dự kiến sẽ được triển khai xây dựng trong năm 2023. Đáng chú ý, tiêu chí xử lý nước thải của xã Lại Yên chỉ có thể hoàn thành khi hệ thống xử lý nước thải của Khu đô thị Bắc An Khánh và trạm xử lý nước thải Vân Canh được hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhưng trên thực tế, 2 dự án này lại chưa được triển khai xây dựng…
Tìm giải pháp khắc phục khó khăn
Để từng bước tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu, các địa phương được thành phố lựa chọn phát triển thành quận đã chủ động triển khai những công việc cần thiết.
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, Gia Lâm đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, cán bộ các địa phương về chủ trương xây dựng huyện thành quận, xã thành phường, tên gọi phường mới thành lập và việc sử dụng trụ sở hành chính phường sau khi thực hiện hợp nhất. Về cơ cấu bộ máy tổ chức các phường sau hợp nhất, huyện đã giao nhiệm vụ cho Ban Tổ chức Huyện ủy xây dựng đề án, sắp xếp, dự kiến vị trí công tác cán bộ đối với 6 chức danh do Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý. Đối với đội ngũ cán bộ công chức xã, huyện giao Phòng Nội vụ tham mưu sắp xếp công tác tổ chức phù hợp theo quy định để có thể vận hành hiệu quả sau khi huyện phát triển thành quận.
Chủ tịch UBND xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) Lê Xuân Hưng cũng cho biết, Thọ Xuân đã và đang tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Từ năm 2022, Thọ Xuân đã tuyên truyền vận động người dân khi xây dựng nhà ở, phải báo cáo chính quyền địa phương để làm thủ tục cấp phép. Quá trình xây dựng phải ký giấy cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường và không làm ảnh hưởng đến các hộ liền kề.
Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã dự định sẽ phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm. Điều này phù hợp với lợi thế tự nhiên khi Thọ Xuân là xã vùng bãi của huyện, có diện tích rộng và vùng sản xuất nông nghiệp trù phú. Thọ Xuân mong muốn thành phố và huyện sớm định hướng cho xây dựng chợ đầu mối trên địa bàn xã nhằm tạo thêm việc làm cho người dân, từ đó cũng tạo thêm nguồn thu thuế, phí cho chính quyền địa phương. Đối với tiêu chí điện chiếu sáng, hiện Thọ Xuân còn một số tuyến đường mới mở chưa có điện. Cùng với việc đưa dự án chiếu sáng vào kế hoạch đầu tư công, xã đã vận động các hộ gia đình hưởng ứng cuộc thi sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn và văn minh nhằm khuyến khích người dân cùng tham gia giữ gìn cảnh quan, môi trường tại khu dân cư.
Bí thư Đảng ủy xã Lại Yên (huyện Hoài Đức) Lê Văn Hường cũng chia sẻ, cùng với việc kiến nghị huyện giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí phát triển thành phường, gồm: Cân đối thu chi ngân sách, thu gom xử lý nước thải sinh hoạt, đất công trình văn hóa thể dục thể thao, cơ sở hạ tầng trung tâm thương mại, Lại Yên đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phấn đấu cân đối ngân sách xã trong năm 2023; đẩy mạnh đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu lao động… Cùng với đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân cùng chung sức, đồng thuận xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí phường, đáp ứng yêu cầu xây dựng huyện thành quận trong thời gian sớm nhất…
Việc xác định rõ các tiêu chí còn thiếu, tìm ra phương hướng khắc phục và hoàn thiện trong thời gian tới sẽ giúp các huyện đang triển khai đề án xây dựng huyện thành quận sớm hoàn thiện, vượt qua khó khăn, hoàn thành các mục tiêu khó để phát triển thành quận theo đúng kế hoạch của thành phố.
(Còn nữa)