Xây dựng kế hoạch nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh, Chỉ số Xanh cấp tỉnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà yêu cầu các sở, ngành và các địa phương Hà Tĩnh nhìn nhận kỹ lưỡng các tồn tại, hạn chế để xây dựng kế hoạch khắc phục, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh và Chỉ số Xanh cấp tỉnh.
Sáng 7/8, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp tham mưu giải pháp nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo từ Sở KH&ĐT, năm 2023, Chỉ số PCI của Hà Tĩnh đạt xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 5 trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, tụt giảm về thứ hạng so với năm 2022 (xếp thứ 18).
Chỉ số PCI Hà Tĩnh năm 2023 bao gồm 10 chỉ số thành phần với 141 chỉ tiêu, trong đó, Chỉ số Gia nhập thị trường tăng 5 bậc, xếp thứ 44; Chỉ số Tiếp cận đất đai giảm 3 bậc, xếp thứ 40; Chỉ số Tính minh bạch tăng 6 bậc, xếp thứ 40; Chỉ số Chi phí thời gian giảm 30 bậc, xếp thứ 59; Chỉ số Chi phí không chính thức giảm 24 bậc, xếp thứ 38; Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng tăng 16 bậc, xếp thứ 14; Chỉ số Tính năng động giảm 14 bậc, xếp thứ 63; Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp giảm 29 bậc, xếp thứ 48; Chỉ số Đào tạo lao động giảm 48 bậc, xếp thứ 57; Chỉ số Thiết chế pháp lý và ANTT tăng 5 bậc, xếp thứ 3.
Đối với Chỉ số Xanh cấp tỉnh năm 2023, theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hà Tĩnh không thuộc nhóm 30 tỉnh, thành phố có tổng điểm chỉ số PGI cao nhất cả nước. Tuy nhiên, thống kê từng chỉ số thành phần ghi nhận Hà Tĩnh có sự tăng điểm ở 3/4 chỉ số, bao gồm: Giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai tăng 3,71 điểm, đạt 6,71 điểm, xếp 36/63 tỉnh thành; Thúc đẩy thực hành xanh tăng 0,73 điểm, đạt 5,13 điểm, xếp thứ 5/63; Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ tăng 2,51 điểm, đạt 4,6 điểm, xếp thứ 58/63. Chỉ số duy trì tiêu chuẩn là chỉ số duy nhất bị giảm điểm, đạt 4,38 điểm, xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố.
Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích cụ thể các nguyên nhân chủ quan, khách quan của việc sụt giảm điểm số và thứ hạng của các chỉ số. Đồng thời, chỉ ra trách nhiệm của từng sở, ngành và địa phương liên quan đến từng chỉ số.
Trên cơ sở đó thảo luận đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh và thực hiện các quy định của nhà nước; nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện; triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, khởi sự doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực.
Hỗ trợ đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư phù hợp với chiến lược, định hướng phát triển của tỉnh; tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng, đất đai.
Triển khai mạnh các nhiệm vụ và giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi phương thức kinh doanh xanh, thúc đẩy ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường; triển khai thực hiện các chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu phát triển bền vững…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà đề nghị, các sở, ngành và địa phương hết sức quan tâm đến các chỉ số, bởi đây không chỉ liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ mà còn là vị thế và hình ảnh của tỉnh.
Các đơn vị, địa phương nhìn nhận, đánh giá kỹ các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để xây dựng kế hoạch khắc phục, nâng cao các chỉ số PCI và PGI.
Giao Sở KH&ĐT chủ trì tổng hợp các góp ý, đề xuất của các sở, ngành và địa phương liên quan đến 2 chỉ số để tham mưu UBND tỉnh; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp trong thực hiện các tiêu chí đánh giá PCI.