Xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

Lần đầu tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức các cuộc họp chung với các nhóm địa phương trong từng khu vực để thảo luận về việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, cũng như kế hoạch đầu tư công 2018.

Thời gian này mọi năm, các phòng họp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn được chia nhỏ để các cán bộ của Bộ họp bàn với từng địa phương về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm sau. Nhưng năm nay thì khác, Bộ đã quyết định họp chung với các địa phương.

Trong tuần trước, Bộ có 2 ngày làm việc với các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng. Sang tuần này, sẽ là các cuộc họp với các địa phương vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ; các tỉnh miền núi phía Bắc.

.

.

Điểm khác nữa là, trên bàn của các đại biểu tham dự các cuộc họp, không chỉ là các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công của riêng tỉnh mình, mà còn của các địa phương khác trong khu vực…

Thực tế, việc cùng thảo luận các kế hoạch đặt ra cho năm sau, đồng thời kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cũng như để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là cách làm không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, mà còn giúp các địa phương cùng chia sẻ kinh nghiệm, quyết tâm và nỗ lực hành động cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nhanh chóng nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các địa phương để tham mưu Chính phủ giải pháp thực hiện.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho rằng, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, cần giải quyết những vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn ODA theo kế hoạch vốn, chứ không phải theo tiến độ và hiệp định đã ký như trước đây. “Nên nghiên cứu phân cấp cho HĐND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khả năng tự cân đối ngân sách phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công cân đối ngân sách địa phương”, ông Quyền đề xuất.

Trong khi đó, Hải Phòng lại đề nghị bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và năm 2018 cho một số dự án kết thúc sớm năm 2018, như Dự án Phát triển giao thông đô thị Hải Phòng…

Hàng loạt vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công cũng đã được các địa phương đề cập và kiến nghị. Chẳng hạn, Bắc Ninh gặp vướng mắc trong thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư cho các dự án khởi công mới của trung hạn 5 năm; Quảng Ninh đề nghị chỉ nên quy định chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn là nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành của địa phương… Còn Hà Tĩnh lại lo hầu hết các dự án ODA đều được giao vốn kế hoạch nước ngoài trung hạn và hàng năm thấp hơn nhiều so với hiệp định đã ký kết với nhà tài trợ…

Nhiều đề xuất đã được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải đáp, nhất là những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết, các khó khăn, vướng mắc sẽ Bộ tổng hợp trình Chính phủ xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, nhiệm vụ của các địa phương là hoàn thành tốt việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, cũng như quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay cũng như năm tới.n Hà Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/xay-dung-ke-hoach-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-nam-2018-d68047.html