Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025
Ngày 26/8, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị trực tuyến xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021 vùng trung du miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng.
Hội nghị tập trung trao đổi, giải đáp khó khăn vướng mắc, kiến nghị của các địa phương về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công; đồng thời, đề xuất các giải pháp, chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác năm 2020. Bên cạnh đó, thảo luận một số nội dung chủ yếu triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021, trao đổi, giải đáp các khó khăn vướng mắc, kiến nghị của các địa phương liên quan đến những nội dung này.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, cần đảm bảo sự nhất quán, kết nối, kế thừa và phát triển các thành tựu đạt được của giai đoạn 2016-2020; đồng thời, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ với tư duy, tầm nhìn chiến lược để đề ra chiến lược, kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cao nhất các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đất đai; khai thác hiệu quả quỹ đất theo hướng chuyển đổi mục đích sử dụng những khu đất kém hiệu quả sang lĩnh vực hiệu quả hơn; kiên quyết thu hồi các dự án đầu tư không triển khai, giao đất vượt nhu cầu. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh các dự án đầu tư để hạn chế tối đa thất thu của ngân sách Nhà nước và chống lãng phí…
Đối với kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, các địa phương cần xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên, tránh đầu tư dàn trải ngay từ kế hoạch đầu công năm 2021 và phù hợp khả năng cân đối nguồn vốn của ngân sách Trung ương của kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.
Để đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội đề ra, UBND tỉnh Hà Giang kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư về sửa đổi bổ sung Quyết định 12/2017/QĐ-TTg về ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, tỉnh Hà Giang đề xuất thay vì quy định cứng như hiện nay thì mỗi xã thuộc địa phương này cần được phân bổ bao nhiêu là phù hợp. Với đặc thù của tỉnh Hà Giang, định mức phân bổ như hiện nay vẫn mang tính chất bình quân, còn dàn trải và chưa tạo được lợi thế của từng địa phương Do vậy, Bộ cần sớm có văn bản hướng dẫn để địa phương kịp thời có nội dung bám sát để cho trúng cho đúng, sát với tình hình thực hiện.
Bên cạnh đó, đại diện UBND tỉnh Lào Cai cũng đề xuất, Bộ KH&ĐT cần sớm giao nguồn vốn đầu tư công năm 2021 cũng như đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho địa phương để địa phương chủ động thực hiện.
Tỉnh Lào Cai phấn đấu phát triển khu vực vùng trung lưu miền núi phía Bắc, mong Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng tình ủng hộ hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương cho một số dự án mang tính trọng điểm của quốc gia cũng như liên quan đến đối tác nước bạn Trung Quốc ví dụ như: cảng Hàng không Sapa, Lào Cai sẽ mở thêm 1 cửa khẩu song phương với nước bạn Trung Quốc.
Tiếp theo Hội nghị này, sẽ có hội nghị trực tuyến xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021với Vùng Miền Trung, vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.