Xây dựng Kế hoạch trực tiếp kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự

VKSND tối cao vừa ban hành công văn số 925/VKSTC-V8 gửi VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc ban hành xây dựng nội dung Kế hoạch trực tiếp kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự năm 2021.

Công văn ban hành nhằm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31/12/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2021; Kế hoạch số 01/KH-VKSTC ngày 5/1/2021 về công tác trọng tâm của VKSND tối cao và Hướng dẫn số 03/HD- VKSTC ngày 6/1/2021 về hướng dẫn công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự năm 2021 của VKSND tối cao.

Theo công văn, để bảo đảm thực hiện thống nhất, có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự năm 2021, VKSND tối cao (Vụ 8) xây dựng nội dung Kế hoạch trực tiếp kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù tại nhà tạm giữ, trại tạm giam; Kế hoạch trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại trại giam và Kế hoạch trực tiếp kiểm sát việc thi hành án hình sự tại cơ quan thi hành án hình sự.

VKSND tối cao (Vụ 8) đề nghị VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, triển khai thực hiện các mẫu Kế hoạch tại đây.

Đối với Kế hoạch trực tiếp kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù tại nhà tạm giữ, trại tạm giam cần làm rõ số liệu về người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân.

Liên quan đến việc thực hiện chế độ quản lý giam giữ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam, cần làm rõ việc tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định tại Điều 16 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và Thông tư số 33/2017/TT-BCA ngày 19/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Việc thực hiện các quy định về hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam của cơ sở giam giữ theo quy định tại Điều 17 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

 VKSND tỉnh Tuyên Quang tiến hành trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại Trại giam. (Ảnh minh họa)

VKSND tỉnh Tuyên Quang tiến hành trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại Trại giam. (Ảnh minh họa)

Trong thời điểm kiểm sát, cơ sở giam giữ thông báo sắp hết thời hạn tạm giữ, tạm giam cho cơ quan đang thụ lý vụ án bao nhiêu lượt và số lượng kiến nghị hết thời hạn tạm giữ, tạm giam đến VKSND có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam để xử lý theo quy định tại Điều 13 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các vi phạm khác. Trách nhiệm và kết quả giải quyết của cơ quan nhận được thông báo, kiến nghị sau khi được thông báo, kiến nghị?

Kết quả công tác phân loại quản lý, thực hiện chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người dưới 18 tuổi theo quy định tại các điều 18, 19, 33, 35 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và Thông tư số 33/2017/TT-BCA ngày 19/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Việc trích xuất, chuyển giao và tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thăm gặp thân nhân, người bào chữa… theo quy định tại các điều 20, 21, 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Thông tư số 33/2017/TT-BCA ngày 19/9/2017 và Thông tư số 34/2017/TT-BCA ngày 19/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Việc quản lý đồ vật, tư trang, tiền, tài sản của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định tại Điều 24 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

Việc tuần tra, canh gác; kiểm tra người, đồ vật, tư trang người bị tạm giữ, người bị tạm giam khi ra, vào buồng giam giữ theo quy tại Thông tư số 22/2016/TT-BCA ngày 16/6/2016 và Thông tư số 27/2016/TT-BCA ngày 28/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Việc thực hiện quy định về dân chủ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại cơ sở giam giữ theo quy định tại Thông tư số 81/2019/TT-BCA ngày 27/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Số lượt người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ (phân tích các dạng vi phạm), các hình thức xử lý kỷ luật đã áp dụng. Những đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam và xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 23 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Thông tư số 32/2017/TT-BCA ngày 19/9/2017 và Thông tư số 36/2017/TT-BCA ngày 19/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Số người bị tạm giữ, người bị tạm giam, trốn, phạm tội mới trong quá trình giam giữ (phân tích các trường hợp phạm tội trốn khỏi nơi giam giữ và các tội danh khác); việc tổ chức và kết quả truy bắt các đối tượng theo quy định tại Điều 25 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

Số người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết (phân tích các trường hợp chết do tự sát và chết do nguyên nhân khác); việc giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết theo quy định tại Điều 26 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và Nghị định số 120/2017/NĐ-CP ngày 06/11/2017 của Chính phủ.

Đồng thời, đánh giá nguyên nhân, trách nhiệm trong công tác quản lý để người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy, trốn, chết, phạm tội mới.

Ngoài các nội dung trên, Kế hoạch cũng đề cập đến các nội dung khác như: Về việc thực hiện chế độ quản lý giam giữ đối với người bị kết án tử hình; về thủ tục thi hành án phạt tù, chế độ quản lý giam giữ, giáo dục phạm nhân; về việc thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân; về việc tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tình hình chấp hành pháp luật của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam, cơ quan quản lý thi hành án hình sự và các cơ quan có liên quan…

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/xay-dung-ke-hoach-truc-tiep-kiem-sat-viec-tam-giu-tam-giam-thi-hanh-an-hinh-su-102724.html