Xây dựng kho học liệu số dùng chung giúp dạy tốt môn Khoa học Tự nhiên
Xây dựng kho học liệu số dùng chung là giải pháp hiệu quả của cô Hoàng Thị Vân nhằm giúp các giáo viên tháo gỡ khó khăn trong dạy các môn tích hợp.
Sáng kiến xuất phát từ thực tiễn
Gần 17 năm gắn bó với nghề, cô Hoàng Thị Vân - giáo viên Trường THCS Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng học sinh, phụ huynh cùng các đồng nghiệp bởi sự tâm huyết, sáng tạo, không ngừng nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp hiện đại vào quá trình dạy học
Khoa học tự nhiên là một môn học mới được đưa vào giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giáo viên tham gia giảng dạy bộ môn Khoa học tự nhiên chỉ được bồi dưỡng chứng chỉ trong một thời gian ngắn vẫn còn lúng túng và mất rất nhiều thời gian khi tìm kiếm nguồn tư liệu cho việc soạn giảng.
Trong vai trò tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên, cô Vân luôn mong muốn giúp đồng nghiệp giảm cường độ làm việc mà vẫn tăng hiệu quả công việc. Bởi vậy, cô đã suy nghĩ, tìm hiểu và xây dựng “Kho học liệu số dùng chung môn Khoa học tự nhiên” trên nền tảng ứng dụng trực tuyến Google Sites, là công cụ hỗ trợ đắc lực của giáo viên trong quá trình dạy.
Trong hơn 1 năm triển khai, nhờ kho học liệu số mà các giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên Trường THCS Định Công đã phần nào thấy tự tin hơn trong việc tìm kiếm nguồn tư liệu cho giảng dạy. Qua việc sử dụng kho học liệu, học sinh thấy hứng thú hơn trong học tập, thêm yêu thích môn Khoa học tự nhiên, mạnh dạn hơn trong quá trình học.
Cô Vân cho biết, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, việc chuyển đổi số đang được ứng dụng rất mạnh trong thời gian gần đây ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, chính vì thế việc thực hiện số hóa trong giáo dục cũng trở thành một xu thế tất yếu, chúng ta cần có những ứng dụng, phần mềm có sự tương tác cao, hỗ trợ giáo viên trong dạy học.
Môn Khoa học Tự nhiên được đưa vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2021-2022 đang nhận rất nhiều phản hồi từ xã hội và sự lúng túng từ phía giáo viên. Đa số giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn hoặc song môn. Do giáo viên không đủ kiến thức để dạy cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học dẫn đến áp lực khi giảng dạy những phân môn mình không có kiến thức chuyên sâu.
Để đáp ứng yêu cầu của chương trình, giáo viên cần đi học để bổ sung chứng chỉ Khoa học tự nhiên nhưng quá trình đào tạo tín chỉ trong vài tháng. Vì vậy, giáo viên để dạy được một tiết trái chuyên ngành phải tốn rất nhiều thời gian tìm hiểu bài, nhưng khi lên lớp vẫn không tự tin để giảng dạy. Trong guồng quay công việc bận rộn, việc mất quá nhiều thời gian để nghiên cứu nguồn học liệu khiến giáo viên trở nên áp lực.
Trước thực tế có những kiến thức chuyên sâu của từng phân môn mà giáo viên không được đào tạo, khó có thể tìm được tư liệu hay, cô Vân đã nhen nhóm ý tưởng xây dựng một kho học liệu số dùng chung do chính các giáo viên trong nhóm đẩy lên. Nhờ kho học liệu này, giáo viên được đào tạo 1 phân môn hay 2 phân môn có thể dễ dàng thực hiện giảng dạy phân môn còn lại.
Nâng cao hiệu quả giảng dạy
Để thực hiện ý tưởng của mình, cô Vân đã cùng tổ chuyên môn nghiên cứu các bài học nhằm nắm vững yêu cầu của môn Khoa học tự nhiên trong chương trình GDPT 2018 cấp THCS. Sau đó, tổ chuyên môn đã tham khảo ý kiến của Ban giám hiệu và một số thầy cô có thế mạnh về CNTT để lựa chọn nền tảng và xây dựng cấu trúc cho sản phẩm.
Nền tảng mà nhóm quyết định sử dụng làm kho học liệu dùng chung là công cụ Google sites. Đây là một ứng dụng hoàn toàn miễn phí với dung tối đa 15Gb, được tích hợp ngay trong tài khoản Google. Với tài khoản và dung lượng miễn phí, giáo viên hoàn toàn có thể xây dựng được kho học liệu online dễ dàng và đủ để lưu trữ tài nguyên.
Tiếp theo, cô và tổ chuyên môn đã họp, thảo luận, giao nhiệm vụ cho các thành viên tìm tư liệu cho mỗi chủ đề thuộc chuyên môn chính được đào tạo. Giáo viên có chuyên môn chính ở từng phân môn cùng có trách nhiệm xem những yêu cầu của chủ đề cần có những tranh ảnh, video, thí nghiệm gì để đẩy lên kho.
Trên cơ sở danh mục thiết bị dạy học số và từ thực tế bài dạy theo SGK nhóm đã khai thác một số tư liệu trong sách kết hợp với việc tự xây dựng thiết kế các nguồn học liệu khác như biên tập thêm tranh ảnh, trò chơi củng cố, sơ đồ tư duy, tư liệu dạy học để đẩy lên kho dùng chung. Những tư liệu được biên soạn cẩn thận, kỹ lưỡng được đẩy lên sẽ giúp từng giáo viên có chuyên môn sâu hoặc mới học chứng chỉ cũng có thể sử dụng vào việc soạn giảng kế hoạch bài dạy.
Cô Vân cho biết, với chương trình lớp 7, 8, 9, cô và đồng nghiệp sẽ tiếp tục triển khai trong những năm học tiếp theo. Và như vậy chỉ sau vài năm, nhà trường đã có đầy đủ tư liệu cho cả 4 năm học của môn khoa học tự nhiên. Như vậy, việc giảng dạy môn Khoa học Tự nhiên đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Sau 1 năm triển khai, kho học liệu số đã phong phú với rất nhiều bài giảng chất lượng, là công cụ hiệu quả giúp giáo viên tự tin trong quá trình giảng dạy. Đây cũng là câu trả lời với những băn khoăn của một bộ phận giáo viên đối với môn học này. "Nếu ở một trường nào đó, giáo viên đang chưa biết làm như thế nào để giải quyết những khó khăn của môn học mới này thì có thể thử dùng cách của chúng tôi để làm"- cô Vân bộc bạch.
Cô Ngô Thị Thu Phương - giáo viên tổ tự nhiên Trường THCS Định Công cho rằng kho học liệu số dùng chung do cô Vân xây dựng đã giúp ích rất nhiều cho các giáo viên trong giảng dạy. Trong quá trình dạy học, nhóm thường xuyên bổ sung và hoàn thiện kho tư liệu dùng chung, đồng thời tiếp tục trao đổi, bàn bạc để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình soạn giảng.
Còn cô Đỗ Kim Dung cho biết: Trong năm học vừa qua, giáo viên trong tổ đều lên kho tư liệu để khai thác thông tin liên quan tới việc thiết kế kế hoạch bài dạy. Các thầy cô tăng cường trao đổi chuyên môn, bàn bạc và đã giải quyết được những khó khăn trong quá trình dạy học. Bên cạnh đó, việc đẩy tài nguyên lên giúp nhóm khoa học tự nhiên lúc nào cũng có nguồn tư liệu sẵn có để có thể chủ động hơn trong nghiên cứu bài học.
Cô Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hiệu trưởng Trường THCS Định Công kể về đồng nghiệp của mình: Trong quá trình công tác, cô Hoàng Thị Vân luôn không ngừng tìm tòi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tích cực phấn đấu hết mình và tham gia nhiệt tình trong các hội thi, lan tỏa niềm yêu nghề và tinh thần hăng say trong công việc tới các đồng nghiệp.
Nhờ kho học liệu số của cô Hoàng Thị Vân, các giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên Trường THCS Định Công đã phần nào thấy tự tin hơn trong việc tìm kiếm nguồn tư liệu cho giảng dạy. Học sinh cũng qua việc sử dụng kho học liệu thấy hứng thú hơn trong học tập, thêm yêu thích môn Khoa học tự nhiên, mạnh dạn hơn trong quá trình học.
Vừa qua, trong hội nghị xét duyệt giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2023, cô Vân đã lan tỏa ý tưởng sáng tạo của mình đến các đồng nghiệp trên địa bàn thành phố và được Ban giám khảo đánh giá rất cao.