Xây dựng không gian văn hóa công cộng ở TP.HCM: Kiến tạo xứng tầm

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh phát triển thêm nhiều không gian văn hóa công cộng nhằm nâng cao đời sống xã hội, chất lượng sống cho người dân.

Một góc Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Một góc Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Nhằm hướng đến phát triển toàn diện, hiệu quả các không gian văn hóa công cộng xứng tầm với vị thế hiện có và sự phát triển trong tương lai, Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển thêm nhiều không gian văn hóa công cộng với công viên, vườn hoa, mặt nước và các tuyến phố đi bộ an toàn, thân thiện, hấp dẫn mang đậm bản sắc văn hóa nhằm nâng cao đời sống xã hội, chất lượng sống cho người dân.

Không gian hiện đại gắn với bản sắc dân tộc

Trước thực trạng không gian công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng bị thu hẹp, các sở, ban, ngành đã có nhiều biện pháp để bảo vệ, cải tạo và mở rộng cho người dân Thành phố. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan.

Bàn về giải pháp kiến tạo, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, cần đặc biệt chú ý đến tính liên thông chặt chẽ, hợp lý, phục vụ sự phát triển lâu dài, bền vững, tạo năng lực tăng trưởng và là biểu tượng cho giai đoạn phát triển mới của thành phố đối với việc rà soát tổng thể quy hoạch hệ thống không gian.

Trong đó, công tác xây dựng các không gian công cộng mới của thành phố phải xác định tính chất nền tảng là yếu tố ven sông gắn với các lớp văn hóa đặc trưng của vùng Nam Bộ thân thiện, gần gũi, hiện đại, giàu sức sống và bản sắc.

Tiến sỹ, Kiến trúc sư Lê Văn Năm, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thành phố, cho rằng cần có chiến lược xây dựng các quảng trường, phố đi bộ gắn với các trung tâm du lịch, dịch vụ, phù hợp với định hướng quy hoạch chung của thành phố, đặc biệt chú trọng định hướng mô hình đa trung tâm, đa chức năng.

Đối với hệ thống công viên, thành phố cần ưu tiên xây dựng thêm các công viên đô thị lớn tại các quận vùng ven, huyện ngoại thành, gắn với các khu đô thị lớn; công viên nhỏ trong các khu dân cư đô thị.

Đồng quan điểm, theo Tiến sỹ Phạm Phú Cường, Trưởng Khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, cần mở rộng không gian đi bộ, bởi điều này sẽ "kích hoạt" được nhiều mô hình kinh tế, phát huy giá trị văn hóa cũng như bảo vệ tốt hơn những di sản kiến trúc đặc trưng từng khu vực.

Trong bối cảnh thành phố định hướng phát triển kinh tế đêm, việc mở rộng các khu phố đi bộ sẽ giúp tăng cơ hội phát triển thương mại và du lịch, nhất là về đêm vốn có rất nhiều tiềm năng.

Từ nhiều dự án thành công trên thế giới, ông Phạm Trần Hải, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu Quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết các đô thị trên thế giới đang có xu hướng sử dụng các công trình cũ mang dấu ấn lịch sử như “Dự án Trung tâm Nghệ thuật Pier2” tại Thành phố Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc) được cải tạo từ hệ thống các nhà kho cũ bỏ hoang có từ năm 1973 thành không gian công cộng với các hoạt động văn hóa nghệ thuật đầy sáng tạo, hấp dẫn; “Dự án Seoullo 710” tại thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã biến hệ thống cầu vượt tại khu vực quảng trường nhà ga Seoul trở thành không gian đi bộ và vườn hoa công cộng trên cao...

Dựa trên cơ sở đó, đối với Thành phố Hồ Chí Minh, việc sử dụng công trình cũ cho một công năng mới sẽ bảo tồn được các công trình có giá trị di sản để lưu giữ ký ức đô thị; truyền tải những thông điệp mang tính lịch sử, phục vụ công tác giáo dục thông qua việc bảo tồn và chuyển đổi chức năng của một số công trình cũ mang dấu ấn lịch sử.

Tương tự, theo Tiến sỹ Lê Hồng Phước, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, không gian văn hóa công cộng luôn phải đi kèm với bản sắc văn hóa.

Vì vậy, ngoài hoạt động trình diễn, cần đưa đờn ca tài tử-cải lương vào không gian sống của thành phố như treo poster giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử-cải lương ở các trạm xe bus, hay một góc nhỏ của đường sách… để đờn ca tài tử-cải lương thực sự là bản sắc văn hóa của người miền Nam.

Hướng đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo cho rằng, việc hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là việc quy hoạch và phát triển các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa mà còn là xây dựng các chương trình nghệ thuật mang tính tư tưởng, thẩm mỹ, phong phú, hấp dẫn, đặc sắc gắn với cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không giới hạn ở những nơi Bác đi qua, dừng chân ở thành phố này mà sẽ được quy hoạch, thiết kế sao cho phù hợp để mọi người khi đến với thành phố đều sẽ cảm nhận được đây là Thành phố mang tên Bác.

Tăng số lượng và chất lượng

Nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân và du khách tại các không gian công cộng, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao Thành phố Hồ Chí Minh Mai Bá Hùng, thành phố triển khai tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội đầu tư, nâng cao chất lượng từ nội dung đến công nghệ, thể hiện sự hoành tráng và trang trọng.

Du khách trên tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Du khách trên tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Bên cạnh việc đầu tư các lĩnh vực theo hình thức hợp tác công-tư, phát triển cơ sở vật chất cho văn hóa, nghệ thuật, thành phố cần quy hoạch hệ thống không gian văn hóa công cộng chuẩn, đẹp, hiện đại, tạo được bản sắc riêng, xem đó là tài sản văn hóa và hệ sinh thái văn hóa bền vững của thành phố.

Đồng thời, thành phố kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Văn hóa nói riêng và thành phố nói chung.

Về các dự án quy hoạch, thành phố đã có chiến lược xây dựng một quảng trường lớn tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 1), dự kiến đặt tên là Quảng trường Hồ Chí Minh.

Ngoài phục vụ các sự kiện chính trị, đây còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn. Thành phố cũng sẽ xây dựng cầu dành cho người đi bộ nối Quảng trường Hồ Chí Minh với khu vực tượng Trần Hưng Đạo (Quận 1); tiếp tục nối dài hai phố đi bộ tại Quận 1.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân Quận 3 đang triển khai xây dựng hai tuyến phố đi bộ là phố đi bộ khu vực hồ Con Rùa và đường Nguyễn Thượng Hiền.

Với 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Tập đoàn NgoViet Architects & Planners cho rằng, thành phố cần chia thành hai giai đoạn khi hình thành các phố đi bộ phạm vi lớn.

Đầu tiên cải tạo đường Nguyễn Huệ, liên kết đường Đồng Khởi, có thể nối tới đường sách, kéo từ phía nhà thờ Đức Bà ra tới bến Bạch Đằng. Xung quanh khu vực này có đường Pasteur, Hai Bà Trưng, Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn... giúp xe cứu hỏa, cứu thương dễ dàng tiếp cận hiện trường khi có sự cố.

Giai đoạn sau đó, thành phố cần tổ chức khu thứ hai là phố đi bộ Bùi Viện nối ra công viên 23/9. Khu vực này có đường Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Lê Lai, Nguyễn Trãi... kết nối. Bán kính đi bộ ở cả hai cụm này được cho là vừa phải, không quá dài.

Song song đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng định hướng, quy hoạch, mở rộng bổ sung khu Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc (Quận 9) thành không gian văn hóa phi vật thể tái hiện các loại hình diễn xướng dân gian; lối sống; nếp sống; lễ hội truyền thống; tri thức văn hóa dân gian, văn hóa nghệ thuật.

Hiện Công viên lịch sử Văn hóa Dân tộc có 27 dự án thành phần trong đó có 9 dự án đã triển khai, 1 dự án đang triển khai theo hình thức PPP (đối tác công tư); 2 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng là dự án đường vành đai Nam, Đền thờ Lễ Thánh Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Liên quan đến phát triển đô thị trên địa bàn thành phố, theo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2021-2030, thành phố sẽ chuyển đổi không gian đô thị thành phố theo hướng bổ sung không gian công cộng, cây xanh, hạ tầng cây xanh và tiếp cận bờ sông, khôi phục cảnh quan sông.

Đối với quỹ đất công viên cây xanh do các quận đang quản lý, thành phố sẽ xã hội hóa đầu tư công viên trong các dự án, dành 10% đất đai cho công viên và không gian mở (dự kiến khoảng 2.100ha); nghiên cứu thực hiện các công viên sông rạch theo quy hoạch, định hướng hình thành “Hành lang marathon 42km dọc bờ sông.”

Ở góc độ chuyên môn, theo Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhằm hướng đến không gian công cộng phát triển bền vững, cần sự chung tay của các doanh nghiệp và mỗi người dân trong việc đầu tư, giữ gìn, chỉnh trang, nâng cấp chất lượng các không gian văn hóa công cộng; tăng cường giáo dục ý thức xã hội, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, văn hóa đô thị cho người dân; khuyến khích xã hội hóa và kêu gọi các tổ chức phi lợi nhuận tham gia quản lý, đầu tư xây dựng các không gian công cộng.

Có thể nói, giữ gìn và phát triển không gian công cộng là một vấn đề quan trọng vì nó liên quan trực tiếp tới chất lượng cuộc sống, tới sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân. Không gian công cộng còn là yếu tố tạo nên nét độc đáo và bản sắc của một thành phố, là yếu tố nối kết cộng đồng, làm cho người dân gắn bó với thành phố, với nơi ở của mình hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh quy hoạch chuẩn cho các thành phố mới, phải nhanh chóng cải tạo cái cũ, cái sẵn có, nghiên cứu, xác định những tiềm năng của di sản đô thị mà không gian văn hóa mới có thể kế thừa; tăng cường sự tham gia đóng góp của người dân vào xây dựng, cải tạo không gian văn hóa công cộng, góp phần tạo không gian sinh sống cho cư dân đô thị ngày một tốt, văn minh và sáng tạo hơn./.

Thu Hương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/xay-dung-khong-gian-van-hoa-cong-cong-o-tphcm-kien-tao-xung-tam/687204.vnp