Xây dựng khu Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc: Sớm gỡ vướng để đẩy nhanh tiến độ
Tại buổi tiếp xúc cử tri hôm 7/5, cử tri huyện Thạch Thất đã kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội (đơn vị bầu cử số 8) nhiều vấn đề, trong đó có nội dung cần đẩy mạnh đầu tư dự án Đại học Quốc gia ((ĐHQG) Hà Nội. Hiện dự án này đã thực hiện thu hồi trên 1.000ha đất.
Là một phân khu quan trọng trong quy hoạch chung đô thị vệ tinh Hòa Lạc nhưng tiến độ xây dựng Khu ĐHQG Hà Nội đang rất chậm. Để có thể di dời 60.000 sinh viên, cán bộ giảng dạy, giải tỏa ách tắc giao thông khu vực nội đô Thủ đô, việc tập trung tháo gỡ những vướng mắc về nguồn vốn, cơ chế đền bù GPMB tại khu vực này cần được quan tâm hơn nữa.
Dân sống “treo” trên đất dự án
Tổng diện tích quy hoạch của ĐHQG Hà Nội là khoảng 1.113,7ha, trong đó diện tích đất dự kiến xây dựng 37,49ha gồm: Xây dựng trường đại học Công nghệ; Xây dựng trung tâm nghiên cứu; Xây dựng các công trình thiết yếu khác (khu vực trung tâm của ĐHQG Hà Nội, hệ thống tài chính và quản lý hiện đại, bền vững). Các công trình trên sẽ được xây dựng ở ba khu vực khác nhau là Zone 1, 3 và 4.
Việc thực GPMB cho dự án ĐHQG Hà Nội bắt đầu thực hiện từ năm 2003, trong đó GPMB 37,49ha tại khu Zone 1, 3 và 4 được đầu tư bằng khoản vay ODA từ Ngân hàng Thế giới đã hoàn thành từ năm 2007. Tất cả 144 hộ gia đình bị ảnh hưởng đã bàn giao đất cho dự án ĐHQG Hà Nội sau khi nhận được bồi thường và hỗ trợ. Tuy nhiên, do dự án chưa được triển khai nên ĐHQG Hà Nội cho phép các hộ dân nằm trên đất dự án tiếp tục canh tác trên đất bị thu hồi.
Ông Nguyễn Văn Cường - thôn 10, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất bày tỏ: "Người dân rất ủng hộ dự án, công tác GPMB đã hoàn thành cách đây hơn 10 năm. Tuy nhiên, thật lãng phí thời gian và tiền bạc khi dự án bị trì hoãn quá lâu. Những con đường được xây dựng trong thời gian dài mà không đưa sử dụng đã bị xuống cấp. Chúng tôi hy vọng dự án có thể thu xếp vốn và sớm triển khai xây dựng" - ông Cường chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Thá – Bí tư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, do xã nằm trong vùng quy hoạch nên hệ thống đường giao thông liên thôn xuống cấp nhưng không được đầu tư sửa chữa, gây khó khăn cho cuộc sống người dân. Đặc biệt, đất đã thu hồi từ lâu nhưng không được sử dụng để xây dựng dự án nên một khu vực rộng lớn cây cỏ rậm rạp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của côn trùng gây hại, ảnh hưởng đến người dân địa phương.
Gỡ khó về nguồn vốn
Hiện nay, dự án ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc mới hoàn thành một số hạng mục công trình đưa vào vận hành khai thác như: Ký túc xá số 4 chuyển công năng thành Trung tâm giáo dục quốc phòng, cung cấp cơ sở đào tạo cho tất cả các trường phía Bắc có nhu cầu giảng dạy về quốc phòng an ninh; Nhà công vụ phục vụ tổ chức hội nghị, hội thảo của ĐHQG và những hội thảo chuyên ngành về giáo dục đào tạo. Ngoài ra, một số tuyến đường cũng đã được xây dựng nhưng chưa đồng bộ, kết nối.
Bà Nguyễn Thị Huế - Trưởng phòng Quản lý đất đai, Trung tâm Phát triển ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc thông tin, dự án triển khai đã hơn 17 năm và tiến độ bị chậm. Nguyên nhân do hai yếu tố căn bản là nguồn vốn và chính sách GPMB. Về vốn, tỷ lệ đầu tư mới đạt 8% so với kế hoạch ban đầu, công tác GPMB đạt 76%. Do dự án triển khai quá nhiều năm dẫn đến các chế độ, chính sách GPMB bồi thường hỗ trợ tái định cư không đồng bộ giữa người trước và người sau, gây khó khăn khi tiếp tục thu hồi diện tích còn lại.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, nhiều chuyên gia cho rằng, cần xem xét nguồn đầu tư cho dự án để triển khai dứt điểm công tác GPMB, tái định cư. Đồng thời, triển khai đồng bộ các dự án đang dang dở về hạ tầng kỹ thuật, ưu tiên một số công trình trọng điểm đối với dự án ĐHQG Hà Nội hiện nay. Ví dụ trường ĐH Khoa học tự nhiên hiện nay đã triển khai một công trình nhưng cũng đang chờ vốn để có thể hoàn thiện và đưa trường này lên đó.
Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển khu vực đô thị vệ tinh Hòa Lạc hiện nay, các dự án lân cận có những điều chỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng mới sẽ tác động tới dự án ĐHQG Hà Nội. Do đó trong quá trình triển khai dự án tiếp theo cần phải rà soát điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với tổng thể. Đồng thời, cần phải tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của các dự án thành phần để đáp ứng nhu cầu phát triển mới, khả năng bố trí nguồn lực, tăng cường khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa.
"Dự án ĐHQG Hà Nội mới chỉ triển khai được 2 tòa nhà, còn lại vẫn giậm chân tại chỗ. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đến dự án này và Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc để sớm đi vào hoàn thiện, ổn định đời sống của người dân tại địa bàn." - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa Nguyễn Văn Thá