Xây dựng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực (kỳ 2)
Kinh tế biển (KTB), các vùng ven biển của tỉnh đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh đã thẳng thắn nhận diện trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu phát triển KTB theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII)... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Kinh tế biển (KTB), các vùng ven biển của tỉnh đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh đã thẳng thắn nhận diện trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu phát triển KTB theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững KTB Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Kỳ II: Nhận diện những khó khăn, hạn chế
Theo đồng chí Đinh Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, sau khi được đầu tư các tuyến đường trục phát triển kết nối vùng KTB tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua Nam Định đã cơ bản gỡ được điểm nghẽn trong kết nối giao thông giữa vùng KTB của tỉnh với các tỉnh bạn. Tuy nhiên, hệ thống giao thông huyết mạch nội tỉnh với phần lớn các tuyến quốc lộ đã đầu tư từ nhiều năm trước mới chỉ đạt quy mô cấp 3 đồng bằng, hai làn xe hỗn hợp nên nhiều đoạn tuyến hiện nay đã quá tải, thường xuyên ùn tắc; một số huyện phía nam muốn đi về phía bắc để nhập làn vào hệ thống giao thông huyết mạch đến các tỉnh lân cận vẫn phải đi vòng lên thành phố Nam Định mới nhập được làn, kéo dài thời gian, gia tăng chi phí vận chuyển hàng hóa, nhất là các xe container. Hệ thống đường thủy nội địa còn nhiều tuyến chính chưa được nâng cấp đồng bộ đưa vào cấp kỹ thuật, trang thiết bị bốc xếp tại các cảng cơ giới hóa chưa cao. Tại hệ thống đường biển, luồng hàng hải chưa được đầu tư đáp ứng nhu cầu vận tải, chậm đầu tư kết nối các phương thức vận tải khác. Đây là các điểm nghẽn tỉnh cần tiếp tục ưu tiên huy động, bố trí vốn để từng bước khắc phục giúp hệ thống giao thông nội tỉnh thông suốt, tăng tính kết nối giữa vùng KTB với các địa phương trong tỉnh cũng như tỉnh ngoài.
Theo đồng chí Doãn Quang Hùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy: Tuyến đường bộ ven biển đang thi công sẽ hoàn thành trong thời gian tới giúp Giao Thủy đảo chiều thành điểm đầu của tỉnh kết nối giao thông với các vùng kinh tế lớn, trọng điểm của quốc gia như Hải Phòng, Quảng Ninh. Nhờ đó, huyện đã nhanh chóng tạo được bước chuyển đột phá trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, huyện còn nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết để thực sự phát huy được lợi thế có 32km bờ biển. Hiện nay, huyện chưa khai thác hết tiềm năng, chưa đạt hiệu quả cao trong phát triển kinh tế du lịch dù có nhiều lợi thế riêng biệt như là có bãi biển Quất Lâm, Vườn quốc gia Xuân Thủy (là khu rừng ngập mặn quan trọng của Việt Nam và quốc tế, là điểm “dừng chân” của nhiều loài chim di cư quý hiếm). Điểm hạn chế là cơ sở hạ tầng Vườn quốc gia Xuân Thủy còn rất khiêm tốn, cơ chế quản lý khai thác hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia chưa được xác lập rõ ràng, gây trở ngại trong quá trình phát triển kinh tế du lịch. Cơ sở hạ tầng khu du lịch Quất Lâm đã xuống cấp, các tệ nạn xã hội gia tăng làm ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch tắm biển Quất Lâm. Ngoài ra huyện chưa thiết lập được chuỗi liên kết các sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách. Khai thác nguồn lợi từ biển của huyện còn nhiều hạn chế do quy trình khai thác, đánh bắt, chế biến nguồn lợi thủy, hải sản và hoạt động dịch vụ hậu cần chủ yếu với quy mô nhỏ, lạc hậu; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy hải sản. Bên cạnh đó, cuộc sống người dân phải chịu nhiều rủi ro do thiên tai, bão lụt…
Đánh giá về những khó khăn, vướng mắc trong phát triển KTB tại địa bàn, đồng chí Trần Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng nhận diện: Hiện nay huyện đã bước đầu khởi sắc trong thu hút nhà đầu tư tiềm năng với các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn. Tuy nhiên công tác lập, triển khai thực hiện quy hoạch, công tác quản lý đất đai của huyện còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện, chưa tạo được sự kết nối đồng bộ với các địa phương khác trong tỉnh. Chưa khai thác hết được tiềm năng, lợi thế của huyện, nhất là vùng ven biển; các ngành kinh tế biển vẫn chủ yếu là ngành nông nghiệp, thủy sản, chưa đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Còn đồng chí Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu Đỗ Hải Điền thì cho biết: Hải Hậu xác định phát triển song hành 3 lĩnh vực kinh tế là nuôi trồng, chế biến thủy sản, phát triển du lịch dịch vụ và phát triển công nghiệp, tiểu thủ nghiệp, làng nghề; trong đó, ưu tiên số 1 là phát triển nuôi trồng, chế biến thủy sản. Tuy nhiên, bờ biển Hải Hậu có đặc thù là bờ biển lở, không có bãi bồi, trong khi hạ tầng phòng chống thiên tai của huyện chưa được đảm bảo nên hoạt động sinh sống, sản xuất của người dân ven biển chịu nhiều chi phối, tác động tiêu cực trong mùa mưa lũ, biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Bất cập về hạ tầng phòng chống thiên tai với nhiều đoạn tuyến đê kè đã bị hư hỏng nặng khiến huyện đang gặp khó trong khai thác kinh tế du lịch tại bãi biển Thịnh Long, khu chứng tích Nhà thờ đổ Văn Lý. Huyện chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, đầu tư phát triển các lĩnh vực tiềm năng, ngành nghề mũi nhọn của huyện như: khai thác kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến thủy sản; đầu tư xây dựng cảng nước sâu để phục vụ công tác giao thương, tiêu thụ, phát triển sản xuất…
Những khó khăn, hạn chế mang tính tổng quát của toàn tỉnh trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW bao gồm hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ, thiếu cơ sở hạ tầng lớn, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh các trung tâm kinh tế ven biển. KTB tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; việc phát huy lợi thế, tiềm năng của một số ngành, địa phương về KTB chưa được đầy đủ; phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa khai thác và phát triển lĩnh vực vận tải biển và các loại hình dịch vụ biển; sự liên kết phát triển kinh tế giữa vùng ven biển với nội địa và giữa các ngành, lĩnh vực chưa thực sự thống nhất; các mô hình sản xuất, các ngành, nghề khai thác tiềm năng biển còn nhỏ lẻ, theo hướng truyền thống, chưa tiếp cận được khoa học tiên tiến, tính liên kết chưa cao. Hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KTB còn yếu, chủ yếu mới tập trung trong số ít lĩnh vực như nuôi trồng thủy, hải sản, nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển. Chưa có chương trình phát triển và chuyển giao ứng dụng công nghệ biển dài hạn phục vụ cho các ngành KTB ưu tiên; việc đào tạo, dạy nghề cho lao động vùng biển, lao động trên biển và chuyển giao, ứng dụng tiến bộ công nghệ trong nhiều ngành nghề KTB còn những hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Phát triển KTB chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đời sống của một bộ phận ngư dân ven biển còn khó khăn.
Nam Định nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, là đầu mối trung chuyển, cửa ngõ giao thông của vùng nên nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng rất lớn trong khi nguồn thu từ ngân sách của tỉnh còn thấp nên hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội chưa hoàn thiện, chưa tạo được sự kết nối đồng bộ với các tỉnh trong khu vực, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh KTB. Tỉnh chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, dự án lớn nên phát triển KTB chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Vùng ven biển tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, bão, lũ; biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan ngày càng trở lên phức tạp, khó lường, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, đe dọa các công trình kết cấu hạ tầng ven biển, gia tăng xâm nhập mặn, mất đất do đặc trưng “biển tiến bãi thoái”. Bên cạnh đó, có nguyên nhân chủ quan là một số cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở còn thiếu chủ động trong quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển bền vững KTB. Năng lực tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng; thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển KTB ở một số ngành, địa phương còn hạn chế, thiếu quyết liệt, chưa có trọng tâm, trọng điểm.
Việc thẳng thắn nhìn nhận chỉ ra những bất cập, hạn chế trong khai thác phát triển KTB, các nguyên nhân khách quan, chủ quan từ lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền sẽ góp phần giúp tỉnh có cơ sở xác định các biện pháp phù hợp, sát thực tế để tiếp tục hiện thực hóa hiệu quả nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTB của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW trong thời gian tới.
(Còn nữa)
Thanh Thúy
Xây dựng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực (kỳ 1)