Xây dựng, lan tỏa mạnh mẽ thương hiệu du lịch Bến Tre

Nằm ở hạ lưu sông Mekong, lại được phù sa của 4 con sông (Hàm Luông, Cổ Chiên, Tiền, Ba Lai) bồi tụ nên đất đai ở 'xứ Dừa' Bến Tre vô cùng màu mỡ, góp phần kiến tạo nên những miền quê rợp bóng dừa xanh, những miệt vườn cây trái trĩu quả, những làng hoa đủ màu sắc...

Đấy chính là những thế mạnh để Bến Tre xây dựng cho mình những sản phẩm du lịch đặc thù, thu hút khách du lịch.

Bến Tre gây ấn tượng với hình ảnh "xứ Dừa".

Bến Tre gây ấn tượng với hình ảnh "xứ Dừa".

Bản sắc “xứ Dừa”

Tỉnh Bến Tre có diện tích tự nhiên gần 2.400km2, trong đó có 65km đường bờ biển. Là nơi có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước với 77.000ha (chiếm 50% diện tích cả nước) nên Bến Tre còn có tên gọi là “xứ Dừa”. Không chỉ có dừa, đây còn là quê hương của nhiều giống cây ăn quả cho năng suất cao và có thương hiệu như sầu riêng Cái Mơn, xoài tứ quý, dừa xiêm xanh, chôm chôm, bưởi da xanh... Tại Bến Tre cũng có rất nhiều làng nghề nổi tiếng, đó là làng hoa kiểng Cái Mơn, làng nghề bó chổi cọng dừa Mỹ An, làng nghề đúc lu Hòa Lợi, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc...

Cho đến đầu thế kỷ XVIII, Bến Tre vẫn là một vùng đất hoang vu, chỉ toàn rừng rậm và đầm lầy. Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng Bến Tre vẫn là một vùng đất địa linh nhân kiệt với nhiều danh nhân và di tích văn hóa - lịch sử nổi tiếng. Tỉnh hiện có 2 di tích quốc gia đặc biệt là Di tích mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, Di tích lịch sử Đồng khởi Bến Tre cùng 16 di tích cấp quốc gia, 62 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó là các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa địa phương như Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải, Lễ hội Dừa, Lễ hội Kỳ Yên, Ngày hội truyền thống cách mạng Bến Tre Đồng khởi (17-1), Lễ hội Cây trái ngon - an toàn...

Hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch của tỉnh hiện đã đáp ứng được nhu cầu phát triển với 54 khu, điểm du lịch, trong đó có 1 khu du lịch cấp tỉnh, 2 khu điểm đạt chứng nhận OCOP du lịch của tỉnh, 9 điểm du lịch được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là Điểm du lịch tiêu biểu. Bên cạnh đó, hệ thống lưu trú cũng phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu của du khách. Đến tháng 7-2024, toàn tỉnh có 89 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 8 khách sạn được xếp hạng từ 1 - 5 sao, với 1.646 phòng, sức chứa đạt hơn 3.000 khách.

Về với Bến Tre, du khách có thể hòa mình vào nền văn hóa bản địa, tìm hiểu di sản hát sắc bùa Phú Lễ hay trải nghiệm các tour tuyến, sản phẩm du lịch độc đáo như Tuyến du lịch sinh thái Chợ nổi dừa - sông Thom (xã Mỏ Cày Nam, huyện Chợ Lách); Tuyến du lịch Về nguồn Giồng Trôm - Ba Tri - Bình Đại; Tuyến du lịch Về nguồn và Sinh thái ngập mặn tại 3 huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú; sản phẩm du lịch đêm với trải nghiệm đi xe điện dạo quanh thành phố Bến Tre, thưởng thức ẩm thực về đêm tại Phố chợ Phú Khương... Nhờ sự đa dạng về tour tuyến, sản phẩm du lịch nên lượng khách đến với Bến Tre thời gian qua có sự tăng trưởng đáng kể so với giai đoạn trước. 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón 1,3 triệu lượt khách (tăng 18,2% so với cùng kỳ), trong đó khách quốc tế đạt 246 nghìn lượt (tăng 21%), tổng thu từ du lịch đạt 1.594 tỷ đồng (tăng 19,7%).

Đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển

Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng Bến Tre vẫn là một trong những địa phương nằm trong top cuối về phát triển du lịch của vùng và cả nước. Thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân và hạn chế, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Dung lý giải: Đó là bởi các hoạt động du lịch còn mang tính tự phát; sự kết nối, liên kết các tuyến điểm trong và ngoài tỉnh chưa hiệu quả; sản phẩm du lịch thiếu tính khác biệt, đặc trưng... Nguyên nhân là do sự phối hợp liên ngành, liên vùng chưa đạt hiệu quả; thiếu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch; chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu...

Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, Bến Tre đã lập Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2030”. Tỉnh cũng chú trọng quan điểm phát triển du lịch bền vững dựa trên nền tảng tăng tưởng xanh; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Song song với đó là phát triển du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường liên kết, hợp tác, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh... Bến Tre phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao và thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.

Để thực hiện những mục tiêu trên, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, mang nét riêng có của Bến Tre gắn với việc liên kết, hợp tác vùng và các khu vực động lực phát triển du lịch. Theo đó, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, giải trí; phát triển du lịch cộng đồng, nông thôn, sinh thái, du lịch về nguồn, du lịch MICE kết hợp mua sắm, chăm sóc sức khỏe... Đặc biệt, tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm và khai thác thế mạnh ẩm thực địa phương góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch Bến Tre.

Nhằm bắt kịp xu hướng phát triển chung của ngành Du lịch, Bến Tre đã và đang đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá, xây dựng thương hiệu dựa trên nền tảng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách. Đồng thời qua đó xây dựng và quảng bá, lan tỏa mạnh mẽ thương hiệu du lịch Bến Tre gắn với hình ảnh “xứ Dừa”...

Linh Tâm

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xay-dung-lan-toa-manh-me-thuong-hieu-du-lich-ben-tre-675928.html