Xây dựng Lạng Sơn trở thành trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc
Xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là 'cầu nối' ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu.
Đó là thông tin tại họp báo về Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 của tỉnh Lạng Sơn vừa được UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức sáng nay.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định 236 ngày 19/03/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại quyết định của Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị công bố công khai Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2024. Đây sẽ là sự kiện quan trọng để giao lưu và lan tỏa thông tin về tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư của tỉnh Lạng Sơn đến với các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh tại địa bàn tỉnh, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hiện thực hóa quy hoạch tỉnh Lạng Sơn.
Trong quy hoạch nêu rõ, mục tiêu phát triển đến năm 2030: Xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm, là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là “cầu nối” ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu.
Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại, minh bạch; Đầu tư nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển du lịch trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế lớn, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Lạng Sơn; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Đồng thời, xác định 4 khâu đột phá phát triển, gồm: Chuyển đổi số và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch, phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, xanh, an toàn và hiện đại.
Tầm nhìn đến năm 2050, Lạng Sơn có nền kinh tế hiện đại, năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống số. Lạng Sơn trở thành vùng đất xanh hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng sạch, nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Lạng Sơn tiếp tục giữ vững vị thế là địa phương có hệ thống cửa khẩu đường bộ, đường sắt phát triển hàng đầu Việt Nam, điểm trung chuyển trên bộ quan trọng hàng đầu trong kết nối Trung Quốc - Việt Nam - các nước ASEAN và các nước trên thế giới. An sinh xã hội của người dân được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia được bảo đảm vững chắc.
Về phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực và phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin, phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và năng lực cạnh tranh. Xây dựng tỉnh Lạng Sơn thành trung tâm dịch vụ cấp vùng, trung tâm giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.
Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thành trung tâm kinh tế cửa khẩu hiện đại, năng động, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistics quốc gia và quốc tế. Phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh cao, phát huy lợi thế đặc sản địa phương, gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch. Các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn được định hướng phát triển theo mô hình: 1 trục phát triển, 2 hành lang kinh tế và 3 vùng kinh tế - xã hội.
Về danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, dự kiến ưu tiên thực hiện 173 dự án, trong đó 27 Dự án đầu tư của trung ương trên địa bàn tỉnh; 38 dự án đầu tư của tỉnh và 108 dự án thu hút đầu tư...
Theo Ban tổ chức, dự kiến Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 của tỉnh Lạng Sơn sẽ diễn ra vào ngày 21/4/2024.