Xây dựng 'làng thông minh' ở Bình Dương cần thực chất hơn
Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, việc xây dựng 'làng thông minh' tại xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương vẫn còn nhiều hạn chế. Để 'làng thông minh' thực sự trở thành hiện thực, cần có sự thay đổi căn bản trong tư duy và cách làm, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.
Còn nhiều hạn chế
Năm 2020, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu xây dựng xã Bạch Đằng trở thành một "làng thông minh" điển hình. Sau 3 năm triển khai, xã Bạch Đằng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận khi đáp ứng 29/39 chỉ tiêu trong bộ tiêu chí làng thông minh.
Bộ mặt địa phương đã có sự thay đổi rõ rệt với hạ tầng giao thông được nâng cấp, hệ thống an ninh được tăng cường bằng các camera giám sát và điểm wifi công cộng.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã giúp nâng cao năng suất và chất lượng bưởi và lúa, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người từ 60 triệu đồng/năm năm 2019 lên 88,62 triệu đồng/năm năm 2023.
Tuy nhiên, để thực sự trở thành một làng thông minh, Bạch Đằng còn nhiều việc phải làm.
Các chuyên gia nhận định rằng, việc xây dựng làng thông minh không chỉ dừng lại ở việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật mà còn đòi hỏi sự thay đổi về nhận thức và hành vi của người dân. Hiện nay, nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ lợi ích của việc xây dựng làng thông minh và chưa tích cực tham gia vào quá trình này.
Theo tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, làng thông minh nên được xem xét ở bốn trụ cột chính: hạ tầng số thông minh, chính quyền thông minh, cộng đồng thông minh (bao gồm sản xuất thông minh và đời sống thông minh) và thị trường thông minh.
Hiện nay, nhiều địa phương, trong đó có Bạch Đằng, mới chỉ tập trung vào xây dựng hạ tầng số thông minh và chính quyền thông minh, trong khi các trụ cột còn lại chưa được chú trọng đúng mức.
Ông Hải nhấn mạnh: "Chúng ta có hạ tầng tốt, nhưng điều quan trọng là người dân phải hiểu rằng việc xây dựng làng thông minh không chỉ là vì thành tích mà còn là để nâng cao chất lượng cuộc sống của chính họ. Làng thông minh phải gắn liền với cộng đồng, hiểu được và tận dụng những lợi thế của bản địa để phát huy trong quá trình sản xuất bền vững. Việc tận dụng lợi thế bản địa cũng có thể phát triển du lịch".
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Viện Trưởng Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo Mekong nhận định, hiện nay, Bạch Đằng mới chỉ tập trung vào xây dựng nếp sống văn minh, chưa thực sự đạt được tiêu chuẩn của một làng thông minh. Cụ thể, xã hội số chưa phát triển đầy đủ khi thiếu các điểm vui chơi giải trí thông minh, các mô hình giáo dục STEM cho trẻ em.
Theo bà Phượng, để xây dựng một làng thông minh hướng tới nông thôn thông minh, việc chuyển giao khoa học công nghệ và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp là vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ giúp tăng giá trị sản phẩm mà còn góp phần xây dựng thị trường thông minh và đa dạng hóa sản phẩm.
"Theo tôi tìm hiểu, hiện tại, Bạch Đằng là chỉ mới có sản phẩm OCOP 3 sao là trái bưởi và chỉ mới sử dụng trái bưởi tươi và hạt gạo, chứ còn toàn bộ các phần còn lại tăng đa giá trị cho 2 nông sản này chúng ta đã bỏ đi. Đôi khi sản phẩm phụ lại là sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn sản phẩm chính", bà Phượng nói.
Rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình
Trước những đóng góp ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo UBND xã Bạch Đằng khẳng định sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp để xây dựng một làng thông minh.
Cụ thể, xã sẽ tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo để người dân hiểu rõ lợi ích của việc chuyển đổi số và khuyến khích họ tham gia tích cực. Xã tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là mạng internet, để phục vụ cho quá trình số hóa; Triển khai các ứng dụng công nghệ hiện đại như IoT vào nông nghiệp, số hóa các dịch vụ công, giáo dục, y tế; Nâng cao năng lực số cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là người dân nông thôn.
Xã Bạch Đằng đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 100% các chỉ tiêu về chính quyền số, hạ tầng số và dịch vụ nông thôn số; 100% sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản được quảng bá trên các nền tảng thương mại điện tử; 80% hộ dân và 100% cơ sở đăng ký kinh doanh sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến; 100% trường học trên địa bàn xã triển khai nền tảng số và dịch vụ giáo dục thông minh.
Để đạt được những mục tiêu trên, xã Bạch Đằng mong muốn được tỉnh đầu tư nhiều hơn nữa.
Bà Phạm Ngọc Dung, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng nói: "Mong muốn trong thời gian tới được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành để toàn thể chính quyền và nhân dân sẽ thực hiện thành công đề án thí điểm xây dựng làng thông minh trên địa bàn xã".
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thừa nhận, thực hiện Đề án xây dựng làng thông minh, tỉnh chỉ mới chú trọng đến việc đầu tư hạ tầng giao thông, hỗ trợ vốn cho nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất, còn các lĩnh vực như giáo dục và y tế vẫn chưa được quan tâm. Vì vậy, tỉnh sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực này, ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Khi mô hình ở Bạch Đằng thành công sẽ rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các địa phương khác có tiềm năng.
Ông Dũng cho biết: "Sau khi tổng kết, tỉnh đã chỉ đạo một số xã ở phía Bắc của tỉnh, nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi và tiềm năng phát triển nông nghiệp, có khả năng chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này. Tuy nhiên, thành công của mô hình phụ thuộc rất lớn vào sự hưởng ứng của người dân. Nếu trình độ ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ số của người dân nâng cao thì chất lượng xây dựng làng thông minh sẽ tốt hơn".
Việc xây dựng làng thông minh tại Bạch Đằng là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự nỗ lực của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Nếu mô hình này thành công và được nhân rộng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, "biến" địa phương thành nơi đáng sống.