Xây dựng lộ trình điều chỉnh giá đồng bộ gắn với thời điểm phù hợp, tránh dồn vào tháng cuối năm

Các bộ, ngành chủ động xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá đồng bộ, cụ thể gắn với mức độ, thời điểm phù hợp điều chỉnh các mặt hàng Nhà nước quản lý, tránh dồn vào tháng cuối năm, hoặc dồn vào cùng một thời điểm để hạn chế tác động cộng hưởng, giảm bớt áp lực công tác điều hành giá.

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo 348/TB-VPCP kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 7 tháng đầu năm 2023 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023.

 Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Ảnh minh họa

Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Ảnh minh họa

Chủ động xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá đồng bộ, cụ thể gắn với mức độ, thời điểm phù hợp

Theo đó, năm 2023, Quốc hội đề ra mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức khoảng 4,5%. Để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát đề ra trong bối cảnh dư địa kiểm soát lạm phát đang tăng dần, các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước cần chủ động nắm bắt tình hình, khai thác tối đa dư địa còn lại để chủ động thực hiện các phương án giá theo lộ trình quy định và phù hợp với biến động của các yếu tố hình thành giá, kịp thời đề xuất, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.

Trong đó, cần chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, không để đứt gãy nguồn cung, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất trong các dịp lễ, tết cuối năm, mùa du lịch khi nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao, đồng thời trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra tại nhiều quốc gia có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, nguồn cung lương thực, thực phẩm toàn cầu và dịch bệnh trên vật nuôi.

Đối với các mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường: phải có kế hoạch cụ thể về lộ trình, thời điểm điều chỉnh, mức độ điều chỉnh, tính toán tác động đến mặt bằng kinh tế xã hội và mục tiêu kiểm soát lạm phát từng giai đoạn.

Trong điều kiện dư địa lạm phát tương đối rộng để các cơ quan nhà nước điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý trong bối cảnh mục tiêu lạm phát năm 2023 được Quốc hội phê duyệt ở mức 4,5%, các bộ ngành cần chủ động xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá đồng bộ, cụ thể gắn với mức độ, thời điểm phù hợp điều chỉnh các mặt hàng Nhà nước quản lý, tránh dồn vào tháng cuối năm, hoặc dồn vào cùng một thời điểm để hạn chế tác động cộng hưởng, giảm bớt áp lực cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát các năm tiếp theo.

Đồng thời, cần có phương án giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với người nghèo và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu.

 Khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Ảnh minh họa

Khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Ảnh minh họa

Đề xuất thời điểm điều chỉnh giá điện phù hợp, hạn chế ảnh hưởng đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế

Đối với một số mặt hàng thiết yếu, trong đó, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định; rà soát và chủ động xây dựng các kịch bản, phương án hợp lý, khả thi và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước để tránh gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023, báo cáo Chính phủ trước ngày 19/8/2023.

Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2023; sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 07/4/2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2023; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng phương án điều chỉnh giá điện và đề xuất thời điểm điều chỉnh phù hợp, hạn chế ảnh hưởng đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục thực hiện triệt để các giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát biến động thị trường; giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung nhất là các nông sản vào chính vụ để định hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và đóng góp tích cực cho xuất khẩu; theo dõi sát tình hình dịch bệnh, tình hình sản xuất các sản phẩm chăn nuôi (đặc biệt là mặt hàng thịt lợn), nhu cầu tiêu dùng của thị trường để kịp thời có chỉ đạo bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường, đặc biệt là trong các thời điểm cuối năm. Tham gia, phối hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản.

Về dịch vụ giáo dục và vật tư giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lộ trình, mức độ và thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục phù hợp, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP để các địa phương chủ động quyết định các mức học phí phù hợp cho năm học 2023-2024.

Bộ Y tế khẩn trương rà soát, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; đánh giá, chọn thời điểm phù hợp để kết cấu các chi phí vào giá dịch vụ theo lộ trình thị trường. Khẩn trương hoàn thiện Thông tư điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi ban hành Thông tư, hoàn thành trong tháng 8 năm 2023.

Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, nhất là giai đoạn cuối năm khi nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa tăng cao...

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xay-dung-lo-trinh-dieu-chinh-gia-dong-bo-gan-voi-thoi-diem-phu-hop-tranh-don-vao-thang-cuoi-nam-post261855.html