Xây dựng loạt Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường

Việc xây dựng các Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường này là hết sức cần thiết để đáp ứng các yêu cầu cấp bách phục vụ kiểm soát và quản lý ô nhiễm môi trường nói chung trong tình hình mới...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

THÁCH THỨC Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG PHÁT THẢI TRONG CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC KINH TẾ

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong những năm qua, với xu thế đổi mới và hội nhập, Việt Nam đã tạo được những xung lực mới cho quá trình phát triển, vượt qua tác động của suy thoái toàn cầu và duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm với mức bình quân 5,7%/năm.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường. Hiện nay, Việt Nam có hai nguồn gây ô nhiễm môi trường, đó là từ phát triển kinh tế- xã hội trong nước và từ bên ngoài.

Ở trong nước đã chứng kiến sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị, dân cư tập trung.

Song song với sự tăng về số lượng của các Khu, Cụm công nghiệp là sự tồn tại của những dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: luyện kim, khai thác khoáng sản, phá dỡ tàu biển, sản xuất giấy, bột giấy, dệt nhuộm, thuộc da, lọc hóa dầu, nhiệt điện, sản xuất thép, hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến tinh bột sắn; chế biến mía đường; chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm...

Bên cạnh đó, hiện nay ở Việt Nam có trên 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản; khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất giấy, bột giấy; 25 nhà máy nhiệt điện than đã vận hành thương mại; 65 dự án sản xuất gang thép có công suất 100.000 tấn/năm trở lên… Trong đó vẫn có cơ sở có nguồn phát thải lớn, ảnh hưởng tới môi trường.

Trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi, cả nước có khoảng 31.668 trang trại nông nghiệp. Khối lượng phân bón sử dụng khoảng 800- 1.000kg/ha/năm; lượng thuốc bảo vệ thực vật là 1,6- 2kg/ha/năm. Bình quân tổng lượng phân bón vô cơ các loại sử dụng là khoảng 2,4 triệu tấn/năm, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 240 tấn rác thải rắn nguy hại; phát sinh 11.000 tấn bao gói thực vật.

Đối với hoạt động xây dựng, việc xây dựng các khu chung cư, khu đô thị mới, cầu đường, sửa chữa nhà, vận chuyển vật liệu và phế thải xây dựng...diễn ra ở khắp nơi, đặc biệt là các đô thị lớn. Trong khi đó, lượng phương tiện giao thông vẫn không ngừng gia tăng. Hoạt động giao thông vận tải được xem là nguồn gây ô nhiễm trường không khí, đặc biệt ở các khu vực đô thị có mật độ giao thông cao.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến kinh tế, xã hội, sản xuất, thay đổi nền tảng quản lý môi trường dựa trên công nghệ IoT.

Công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, vật liệu mới thân thiện với môi trường,…đã bước đầu thúc đẩy nhanh chuyển dịch từ mô hình kinh tế tuyến tính phát thải lớn sang các mô hình kinh tế carbon thấp, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh gia tăng nhanh dân số, sức ép của tăng trưởng, nhu cầu tiêu thụ các loại nhiên liệu và năng lượng làm gia tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Đáng chú ý, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, tác động mạnh đến môi trường, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước, an ninh sinh thái, an ninh lương thực, là nguy cơ hiện hữu đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước của Việt Nam. Tác động của biến đổi khí hậu làm cho vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học ở Việt Nam ngày càng phức tạp, khó lường.

CÔNG CỤ KIỂM SOÁT VÀ QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Vì vậy, bảo vệ môi trường là một trong những chính sách quốc gia được ưu tiên chú trọng. Để giải quyết các vấn đề môi trường đặt ra, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 được thông qua, hàng loạt văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đã được ban hành.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm, so với các giai đoạn trước, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã được cụ thể hóa; đã có nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành về bảo vệ môi trường như kiểm soát ô nhiễm, quan trắc và thông tin môi trường,…

Cùng với đó, hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động quan trắc môi trường ngày càng được hoàn thiện, với hàng loạt các văn bản được xây dựng và ban hành, giúp thống nhất các hoạt động quan trắc trên phạm vi cả nước. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cũng được rà soát, sửa đổi và ban hành đáp ứng các yêu cầu thực tiễn…

Theo đánh giá, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường hiện hành đã được hoàn thiện hơn đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường giai đoạn hiện nay, góp phần giảm thiểu phát thải ô nhiễm môi trường.

Việc có một hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường cùng với các quy định về bảo vệ môi trường phù hợp đã đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, đồng thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các cơ sở sản xuất kinh doanh khi áp dụng hệ thống tiêu chuẩn môi trường trước đây.

Việc sử dụng các văn bản pháp lý trong đó các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật là một trong nhiều công cụ quan trọng nhất đang được các cơ quan quản lý áp dụng phổ biến và có hiệu quả để quản lý môi trường nhằm kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm. Các tiêu chuẩn kỹ thuật này giúp các nhà hoạch định chính sách, các ngành công nghiệp cũng như người sử dụng có được các công cụ chung cần thiết để cùng nhau bảo vệ môi trường.

Theo các chuyên gia, một hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, quy trình kỹ thuật về môi trường đầy đủ sẽ là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý bảo vệ môi trường hiệu quả hơn và phù hợp hơn với bối cảnh nền kinh tế.

Do đó, Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường nhấn mạnh, việc xây dựng các Tiêu chuẩn quốc gia về quan trắc, phân tích, lấy mẫu môi trường trên cơ sở tham khảo các phương pháp, tiêu chuẩn quốc tế, các tài liệu nước ngoài kết hợp với khảo sát là phù hợp và cần thiết, đáp ứng nhu cầu cấp bách về kiểm soát và quản lý môi trường trong giai đoạn hiện nay.

Trong năm 2024-2025, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đề nghị xây dựng 6 tiêu chuẩn về lấy mẫu, quan trắc, phân tích các thông số ô nhiễm trong môi trường nước, không khí và đất, trầm tích nhằm bổ sung và hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực quan trắc môi trường (không khí, nước, đất và quản lý chất thải rắn) để áp dụng đồng bộ trong thực thi các văn bản pháp quy về môi trường. Các tiêu chuẩn được xây dựng theo phương thức chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế ISO, ASTM, US EPA.

Phương pháp này mang lại hiệu quả cao, vừa tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí để xây dựng tiêu chuẩn, vừa kế thừa được những thành tựu khoa học hiện đại nhất của thế giới.

Các tiêu chuẩn này đều được viện dẫn trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thông tư về hướng dẫn quan trắc môi trường, nhưng chưa được chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia nên gây khó khăn cho việc áp dụng thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về quan trắc và kiểm soát ô nhiễm môi trường.

6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đang lấy ý kiến gồm:

- Phương pháp thử nghiệm tiêu chuẩn để xác định tổng vật chất hạt lơ lửng trong khí quyển (Phương pháp lấy mẫu khối lượng cao);

- Xác định dioxin và furan clo hóa từ tetra đến octa bằng phương pháp sắc ký khí– khối phổ phân giải cao pha loãng đồng vị;

- Xác định crom VI trong bùn trầm tích và vật liệu thải;

- Hướng dẫn lấy mẫu trầm tích đáy từ sông, hồ và cửa sông;

- Xác định cadmi và hợp chất cadmi‒ Phương pháp đo phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa và nhiệt điện;

- Chất lượng nước‒ Xác định crom(VI) bằng phương pháp phân tích dòng chảy (FIA và CFA) và phát hiện bằng quang phổ.

Tùng Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xay-dung-loat-tieu-chuan-quoc-gia-ve-moi-truong.htm