Xây dựng lối sống hướng đến những giá trị về đạo đức
Thông tin từ Viện Bỏng quốc gia, sức khỏe của người mẹ trong vụ việc 3 con gái đốt mẹ vì không được chia nhà mặt đường tiên lượng xấu khiến dư luận tiếp tục bất bình và xót xa. Từ bao giờ chỉ vì lợi ích cá nhân, con người ta nhẫn tâm ra tay với chính người sinh ra mình.
Vụ việc đốt mẹ vì phân chia đất:
Con cái có quyền ép cha mẹ chia nhà đất?
Liên quan đến vụ 3 con gái mang xăng đốt mẹ đẻ ở Hưng Yên, thông tin từ Viện Bỏng quốc gia (Hà Nội) nơi 4 mẹ con đang điều trị cho biết, trong 4 bệnh nhân thì 3 nạn nhân có tiên lượng xấu, người còn lại nhẹ hơn. Trong đó, người mẹ bị bỏng trên 60%, 2 người con gái bị bỏng trên 30%, con gái còn lại bị bỏng 5%. Bệnh nhân bị bỏng 5% thì vài ngày nữa là ổn, nhưng 3 người còn lại tiên lượng xấu, đặc biệt là người mẹ.
Trước đó, ngày 4/11, CQĐT CA tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án hình sự về tội “Giết người” để tiếp tục làm rõ hành vi phạm tội của những người liên quan. Nhưng cho dù bản án có nghiêm minh đến đâu, vì nguyên nhân tranh cấp phân chia đất mà nhẫn tâm thiêu sống mẹ đẻ của mình đó là hành vi mất tính người, coi thường pháp luật và vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Đáng tiếc, đây cũng không phải là vụ việc duy nhất liên quan đến tranh chấp đất đai từ những người trong gia đình. Trong trường hợp như của 3 người con ở Hưng Yên, con cái có quyền ép cha mẹ chia nhà đất hay không?
Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: bất động sản; động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định, tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng do vợ chồng định đoạt. Việc định đoạt đó được pháp luật tôn trọng và bảo vệ nếu tuân thủ các quy định pháp luật. Tài sản này phải thực hiện đúng các thủ tục về công chứng, chứng thực về hợp đồng ủy quyền, tặng cho, chuyển nhượng…
Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu riêng của cha mẹ thì sẽ do cha mẹ quyết định. Con cái chỉ có quyền can thiệp vào việc cha mẹ phân chia tài sản khi họ mất năng lực, bị giới hạn về năng lực trách nhiệm dân sự. Và con cái cũng có quyền can thiệp khi cha mẹ mất mà không để lại di chúc. Luật cũng quy định trong trường hợp cha mẹ còn sống, có đủ năng lực hành vi dân sự lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho một trong các con thì di chúc đó vẫn không được thực hiện hoàn toàn theo ý nguyện định đoạt tài sản của cha mẹ nếu thuộc trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo Khoản 1, Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Với trường hợp con chưa thành niên, hoặc đã đến tuổi thành niên mà không có khả năng lao động, pháp luật sẽ cho phép người con đó hoặc người giám hộ, nuôi dưỡng can thiệp vào việc định đoạt tài sản của cha mẹ nếu cha mẹ không cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật. Quy định trên để bảo vệ quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất đối với con chưa thành niên, thành niên nhưng không có khả năng lao động nuôi sống bản thân khi cha mẹ mất hoặc còn sống mà quên đi nghĩa vụ, trách nhiệm để lại tài sản cho con khi mình mất. Bên cạnh đó, quyền này còn với mục đích để giải quyết việc phân chia, định đoạt tài sản luôn được công bằng giữa các con nhằm phòng tránh việc một trong các con lợi dụng việc cha mẹ bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, qua đời không để lại di chúc để chiếm đoạt, chiếm hữu tài sản của cha mẹ trái pháp luật.
Không thể chạy theo giá trị vật chất
Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Phương Tuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, dù xử lý về tội danh nào thì người thực hiện hành vi phạm tội trong tình huống này cũng sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như Hành vi có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn và phạm tội với 2 người trở lên; Phạm tội với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc (như cha, mẹ...) nên mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.
Theo luật sư Tuyến, thường với những vấn đề tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế, nếu các bên không hòa giải được thì có thể đưa vụ việc đến tòa án để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Kết quả giải quyết của tòa án sẽ là kết quả cuối cùng mà các bên phải chấp hành, đây là cách ứng xử văn minh nhất. Vụ việc ở Hưng Yên, ông Tuyến cho rằng, cần xử lý nghiêm minh những vụ án như thế này cũng là bài học cảnh tỉnh cho những đứa con bất hiếu, coi nặng giá trị vật chất và coi nhẹ tình nghĩa gia đình. Còn theo các chuyên gia tội phạm học, việc xảy ra nhiều vụ việc mang tính bất hiếu diễn ra trong thời gian gần đây báo hiệu những bất thường trong xã hội.
Các chuyên gia nhận định, hoàn cảnh xã hội, các tác động tiêu cực từ đời sống kinh tế, văn hóa, khiến các giá trị đạo đức truyền thống bị mai một, thui chột dần, sự vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa lên ngôi. Càng chạy theo giá trị vật chất, tôn thờ đồng tiền, lấy vật chất tiền bạc hay quyền lực là thước đo, sẽ càng ích kỷ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân. Đi liền với nó là lối sống hưởng thụ, chỉ biết mình và hoàn toàn vô cảm với đúng sai, sẵn sàng xé rào bất chấp luật pháp hay đạo lý miễn là bảo đảm được lợi ích của mình. Những mong cầu vật chất, mong muốn thỏa mãn lợi ích, khiến con người ta sẵn sàng bảo vệ nó bằng mọi giá.
Về giải pháp phòng ngừa tội phạm nói chung, phòng ngừa trọng án trong xã hội và gia đình nói riêng, các chuyên gia tội phạm cho rằng, giải pháp căn cơ là phải xây dựng lối sống hướng đến những giá trị về đạo đức, trí tuệ và nghị lực. Nên lựa chọn xây dựng một xã hội không chạy theo sự tăng trưởng, mà hướng đến hạnh phúc của con người dựa trên nền tảng đạo đức, tinh thần vị tha cao cả là yếu tố cơ bản để giải quyết những câu chuyện đau lòng đang diễn ra.