Xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam là xây dựng Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới

Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận trong những ngày tới. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để BĐBP phát huy tốt nhiệm vụ được giao, cùng các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc xây dựng, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.Báo Biên phòng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của cán bộ, nhân dân các xã biên giới về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ông Lò Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa: Xây dựng, ban hành Luật Biên phòng Việt Nam chính là xây dựng Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới, đó không chỉ là mong ước của nhiều thế hệ cán bộ BĐBP, mà còn là mong muốn của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới. BĐBP là lực lượng gần dân, đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, giúp đỡ nhân dân, thực hiện “5 cùng” với dân: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc và cùng bảo vệ biên giới.

Phải khẳng định rằng, trên địa bàn biên giới nơi khó khăn nhất, nơi vùng sâu, vùng xa nhất luôn có dấu chân của cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Trong suốt thời gian qua, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP luôn làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền địa phương củng cố cơ sở chính trị, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... Nhiều chương trình được BĐBP triển khai như: Xây dựng nông thôn mới, “Nâng bước em tới trường”, giúp dân xóa đói giảm nghèo... đã giúp bà con ở khu vực biên giới có cuộc sống ấm no. Từ thực tế trên, chúng tôi mong muốn Luật Biên phòng Việt Nam sớm được ban hành để tạo hành lang pháp lý cho lực lượng BĐBP cùng với toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng biên giới phát triển giàu mạnh.

Ông Hứa Văn Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu: Thời gian qua, Đồn Biên phòng Cái Cùng, BĐBP Bạc Liêu đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền xã trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, cứu hộ, cứu nạn, giữ gìn trật tự xã hội, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ quyền biển, đảo, các quy định khai thác, đánh bắt thủy hải sản, phổ biến các văn bản pháp luật về biên giới quốc gia, chủ quyền biển, đảo cho hàng nghìn lượt người dân. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã không ngại khó khăn, gian khổ, luôn bám địa bàn, nhờ đó mà đến nay, tình hình vi phạm pháp luật đã giảm rõ rệt, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ BĐBP còn xây nhà Tình thương cho các hộ nghèo, sửa nhà, làm đường, sửa chữa cầu, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng được nhân dân địa phương rất ủng hộ, ghi nhận và đánh giá cao. Tôi đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Biên phòng Việt Nam và quan tâm hơn nữa đối với lực lượng BĐBP.

Bà Sìn Thị Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu: Là một cán bộ đang sinh sống, làm việc trên địa bàn xã biên giới, tôi nhận thấy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là hết sức cần thiết. Điều này xuất phát từ tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, là chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ và phát triển của đất nước. Trong đó, BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị, trong đó có những người dân sinh sống trên địa bàn biên giới. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia thì cần thiết phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới.

Ông Lương Văn Ngam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An: Keng Đu là xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Xã có đoạn biên giới dài, với nhiều đường mòn, lối mở qua lại biên giới. Nhân dân hai bên biên giới có mối quan hệ dân tộc, thân tộc gần gũi, luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đi cùng với đó, trên địa bàn của xã tiềm ẩn các yếu tố liên quan đến vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về biên giới, phức tạp về an ninh trật tự... Trong những năm qua, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, chính quyền và nhân dân địa phương luôn sát cánh cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, duy trì an ninh trật tự địa bàn. Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là rất cần thiết, phù hợp. Tên gọi Luật Biên phòng Việt Nam thể hiện được nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ chung của toàn dân. Như vậy, chúng ta sẽ dễ huy động được các nguồn lực của toàn xã hội, cùng sát cánh với BĐBP trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Nhóm PV-CTV

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-luat-bien-phong-viet-nam-la-xay-dung-chien-luoc-bao-ve-bien-gioi-quoc-gia-trong-tinh-hinh-moi-post429687.html