Xây dựng lực lượng và phát triển chiến tranh du kích

Cách đây 80 năm, đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, đồng bào Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ đã đoàn kết, đứng lên khởi nghĩa chống Pháp.

Khởi nghĩa Nam Kỳ có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tinh thần quật khởi, ý chí quyết tâm giành độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó nổi bật là xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) và phát triển chiến tranh du kích.

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (tháng 11-1939) về chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang, tháng 3-1940, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức hội nghị thông qua “Đề cương cách mạng Nam Kỳ”, thực chất là đề cương khởi nghĩa vũ trang, trong đó xác định việc xây dựng LLVT với hình thành tổ chức ban đầu là các đội du kích, tự vệ chiến đấu làm nòng cốt cho nhân dân khởi nghĩa khi có thời cơ.

 Các chiến sĩ từng tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ. Ảnh tư liệu

Các chiến sĩ từng tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ. Ảnh tư liệu

Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ và chi bộ các địa phương, quá trình xây dựng lực lượng du kích, tự vệ chiến đấu ở các tỉnh xúc tiến chậm và có những biểu hiện lệch lạc. Trước tình hình đó, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức hội nghị mở rộng (tháng 7-1940), đề ra nhiệm vụ cấp thiết, trong đó xác định xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng lực lượng du kích, tự vệ, luyện tập quân sự. Quán triệt nghị quyết hội nghị, quá trình xây dựng lực lượng, phát triển các đội du kích, tự vệ ở các tỉnh Nam Kỳ chuyển biến mạnh mẽ. Tùy theo điều kiện từng địa phương, việc xây dựng lực lượng khác nhau về quy mô tổ chức, quân số, trang bị vũ khí, cách huấn luyện và trình độ chiến đấu. Tại các tỉnh, thành phố như Sài Gòn-Chợ Lớn, Gia Định, Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long... đều tổ chức tự vệ, tổ, tiểu đội du kích. Ở vùng nông thôn, phần lớn các xã tổ chức được từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội. Trên địa bàn các tỉnh còn lại ở Nam Kỳ, quá trình xây dựng lực lượng gặp khó khăn do cơ sở cách mạng bị địch tàn phá. Ở một số địa phương, ta chỉ xây dựng được đội du kích làng xã, hoặc có nơi ta chỉ tổ chức được một số đội du kích ở vùng ven tỉnh lỵ, quận lỵ. Đến tháng 11-1940, 18 trong số 21 tỉnh, thành phố của Nam Kỳ, ta đã tổ chức được các đội du kích, tự vệ, quân số có đội lên tới 100 người. Các đội du kích, tự vệ trang bị vũ khí thô sơ, khẩn trương huấn luyện quân sự, sẵn sàng làm nòng cốt cho nhân dân đứng lên đánh đổ ách thống trị tàn bạo của thực dân, phong kiến giành độc lập, tự do.

Mặc dù kế hoạch bị lộ, cơ quan lãnh đạo khởi nghĩa bị địch vây bắt, mệnh lệnh hoãn khởi nghĩa của Trung ương Đảng chưa kịp phổ biến tới cơ sở, nhưng đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn nổ ra. Lực lượng du kích, tự vệ là nòng cốt làm xung kích hỗ trợ quần chúng nhân dân nổi dậy tiến công địch ở nhiều tỉnh, thành phố, từ Gia Định đến Hà Tiên. Tại Gia Định, ta huy động 4 đội du kích mạnh, do đồng chí Mười Đen, Xứ ủy viên chỉ huy, tiến công dinh quận và đồn Hóc Môn, phá cầu Bông, cầu Rạch Tra; hạ các bốt ở Lăng Cha Cả, vườn Tiêu, ngã năm Vĩnh Lộc ở Gò Vấp. Ở Chợ Lớn, các đội du kích tiến đánh dinh quận Trung Huyện, đánh đồn Bến Lức, diệt các bốt Voi, Cần Giuộc. Ở tỉnh Tân An, quân du kích ở vùng nông thôn phá nhiều tề làng, diệt một số ác ôn, hỗ trợ nhân dân nổi dậy, giành quyền làm chủ. Tại tỉnh Mỹ Tho, các đội du kích hỗ trợ quần chúng ở 75 trong 114 xã nổi dậy diệt tề, sau một tuần, làm chủ cả một vùng nông thôn rộng lớn. Tại tỉnh Vĩnh Long, quân du kích tiến đánh chiếm quận lỵ và đồn Vũng Liêm, giành quyền làm chủ ở Cái Ngang (Tam Bình). Ở tỉnh Sóc Trăng, quân du kích ở các quận Long Phú, Kế Sách cùng với nhân dân phá một số cầu, chặt cây ngăn chặn giao thông địch và mít tinh biểu dương lực lượng. Tại tỉnh Cần Thơ, quân du kích tiến đánh, chiếm nhà làm việc tề xã và phá hệ thống điện thoại, điện tín, phá đường sá, làm gián đoạn giao thông của địch. Ở tỉnh Trà Vinh, quân du kích các làng An Trường, Đức Mỹ thuộc quận Càng Long làm xung kích cho nhân dân nổi dậy, chiếm nhà làm việc và trừng trị tề làng. Ở tỉnh Bạc Liêu, đội du kích tiến đánh Hòn Khoai, gây cho địch một số thiệt hại, thu vũ khí của chúng. Trên địa bàn các tỉnh còn lại (gồm Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Bến Tre, Sa Đéc, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa), quân du kích các địa phương chỉ hỗ trợ nhân dân nổi dậy ở một vài nơi vùng nông thôn, buộc chúng phải huy động lực lượng đối phó và chịu một số thiệt hại.

Thực hiện lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy, quân du kích Nam Kỳ đã hoàn thành sứ mệnh làm nòng cốt hỗ trợ nhân dân nổi dậy ở 18/21 tỉnh, thành phố của Nam Kỳ. Lực lượng du kích, tự vệ đã tiến công vào hệ thống chính quyền địch ở thôn xã và một số quận, huyện lỵ, phá tề, trừ gian, triệt hạ đồn, bốt, phá hoại giao thông liên lạc, xóa bỏ chính quyền địch ở nhiều làng, xã và thành lập chính quyền cách mạng.

Sang đầu năm 1941, thực dân Pháp tập trung quân đàn áp cuộc khởi nghĩa. Chủ trương duy trì và phát triển quân du kích của Xứ ủy Nam Kỳ chưa kịp phổ biến tới cơ sở thì toàn bộ Xứ ủy bị bắt. Để bảo toàn lực lượng, quân du kích phải phân tán, bí mật rút vào các vùng căn cứ Đồng Tháp Mười, U Minh duy trì hoạt động đến ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn trước đó, cũng như các cuộc khởi nghĩa sau đó, khởi nghĩa Nam Kỳ giúp Đảng ta rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về khởi nghĩa vũ trang, trong đó có kinh nghiệm về xây dựng lực lượng, phát triển chiến tranh du kích để tiếp tục lãnh đạo các LLVT và nhân dân ta tiến hành khởi nghĩa giành thắng lợi từng bước, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi vẻ vang, giành chính quyền cách mạng trên phạm vi cả nước.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/xay-dung-luc-luong-va-phat-trien-chien-tranh-du-kich-644552