Xây dựng mô hình 'Bản biên giới không có ma túy'
Quảng Bình có 9 xã nằm trên tuyến biên giới Việt – Lào, với 1 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia và 1 cửa khẩu phụ, chưa kể hệ thống đường mòn, lối mở… Đây là điều kiện thuận lợi để giao thương hàng hóa với các địa phương khác trong cả nước và nước bạn Lào.
Tuy nhiên, với chiều dài biên giới và hệ thống giao thông thuận lợi, sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố về ANTT, đặc biệt là các đối tượng tội phạm về ma túy lợi dụng những điều kiện này để vận chuyển ma túy từ Lào vào Quảng Bình rồi đưa đi các tỉnh khác để tiêu thụ…
Nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy tại khu vực biên giới, Công an các địa phương đã đẩy mạnh việc xây dựng, triển khai mô hình “Bản biên giới không có ma túy”, trong đó, yếu tố quan trọng là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát, kịp thời phát hiện các đối tượng vi phạm.
Bản Ploang và Rìn Rìn thuộc xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là 2 bản vùng cao giáp biên giới nước bạn Lào với chiều dài gần 40km; bà con dân bản thường qua lại làm ăn, thăm thân nên rất dễ bị các đối tượng buôn bán ma túy lợi dụng để hoạt động vận chuyển, mua bán chất ma túy trái phép. Xuất phát từ đặc thù đó, tháng 4 năm 2022, Công an huyện Quảng Ninh đã phối hợp với UBND xã Trường Sơn, Công an xã Trường Sơn, Mặt trận Bản Ploang và Bản Rìn Rìn ra mắt mô hình “Bản biên giới không có ma túy”.
Theo Thiếu tá Trương Thanh Hải, Phó trưởng Công an xã Trường Sơn thì việc xây dựng mô hình nhằm để bà con biết được phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy. Tuyên truyền cho người dân biết được các dạng chất ma túy để phòng tránh. Qua đó, phát huy vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc và quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm.
Khi lực lượng Công an xã đã trực tiếp xuống địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân, nắm được hộ, nắm được khẩu, tuyên truyền để cho bà con đồng bào dân tộc trong bản hiểu về tác hại của ma túy, hiểu về các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng nhằm lôi kéo, xúi giục, mua chuộc bà con để tham gia vận chuyển ma túy… Khi cán bộ Công an về bản, nói cho dân hiểu, dân tin nên bà con chủ động trong việc nhắc nhở nhau, giám sát những đối tượng lạ đi vào bản làng.
Bà Nguyễn Thị Thi, Trưởng bản Bloang cho biết, trước đó đã từng có đối tượng ở địa phương khác tới rủ rê thanh niên bản thử chất cấm. Tuy nhiên, cũng chính người dân trong bản đã kịp thời tố giác để trưởng bản phối hợp Công an viên xử lý, yêu cầu đối tượng không được lưu lại địa bàn…
Sau một năm xây dựng và đi vào hoạt động của mô hình “Bản biên giới không có ma túy”, tình hình ANTT nói chung và tình hình tội phạm ma túy nói riêng ở trên địa bàn các bản giáp biên giới Việt - Lào chưa có yếu tố phức tạp xảy ra. Bà con nhân dân ký cam kết thực hiện tốt mô hình “Bản biên giới, xã biên giới không có ma túy”.
Đến thời điểm hiện tại, địa bàn biên giới xã Trường Sơn không có người nghiện ma túy, cũng chưa phát hiện đối tượng nghi vấn qua lại biên giới để buôn bán ma túy. Tuy nhiên, công tác kiểm soát, phòng ngừa vẫn được triển khai chặt chẽ. Theo Thượng tá Hoàng Giang Nam, Trưởng Công an huyện Quảng Ninh, thời gian tới, Công an huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng Công an xã, cũng như các lực lượng của Công an huyện như Cảnh sát hình sự, Cảnh sát điều tra tội phạm tiếp tục tăng cường, phối hợp để tuần tra, kiểm soát địa bàn giáp ranh nước bạn Lào, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đặc biệt là những đối tượng liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới…
Song song với việc chủ động nắm bắt tình hình để kịp thời phát hiện, xử lý tội phạm về ma túy, lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình đã và đang đẩy mạnh việc phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tuyến biên giới, nâng cao tinh thần cảnh giác và ý thức chấp hành những quy định của bản biên giới không có ma túy.