Xây dựng mô hình kinh tế mới, tạo việc làm cho lao động địa phương

Để thực hiện hiệu quả chương trình mực tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã Quang Minh (Hiệp Hòa) đã tập trung các nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích người dân xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Nhiều hộ sau khi thoát nghèo đã vươn lên làm giàu, trở thành hạt nhân trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Vượt khó vươn lên, tạo nhiều việc làm

Tốt nghiệp THPT năm 2002, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, chị Vũ Thị Quy (SN 1984) ở thôn Hương Thịnh không có cơ hội học tiếp lên đại học. Để phụ giúp bố mẹ, chị xin đi làm công nhân tại một doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trên địa bàn huyện. Lập gia đình rồi sinh con, chị nghỉ việc ở nhà nên cuộc sống càng khó khăn. Có kinh nghiệm với nghề may, trong khi ở địa phương nhiều chị em không có việc làm nên chị Quy bàn với chồng mạnh dạn vay mượn người thân, bạn bè, dồn hết chút vốn tích lũy được để khởi nghiệp. Đầu năm 2023, chị Quy thành lập Cơ sở sản xuất may gia công Vũ Quy. Hiện cơ sở của chị tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương với thu nhập bình quân 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

 Cơ sở sản xuất của chị Vũ Thị Quy (ngoài cùng bên trái) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Cơ sở sản xuất của chị Vũ Thị Quy (ngoài cùng bên trái) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Đã từng sống trong nghèo khó nên chị Quy luôn cảm thông, quan tâm giúp đỡ những hoàn cảnh, số phận không may mắn. Từ khi thành lập đến nay, cơ sở của chị đã tổ chức 3 lớp dạy nghề miễn phí cho 60 lao động nữ trong xã; tạo việc làm cho nhiều chị em hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật. Chị Dương Thị Nghị (SN 1997) - lao động khuyết tật hiện đang làm việc tại đây chia sẻ: “Tôi đã vài lần đi xin việc nhưng chủ doanh nghiệp từ chối. Khi đến cơ sở may của chị Quy, tôi được nhận vào làm việc với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Có thu nhập ổn định, cuộc sống của gia đình tôi vơi bớt khó khăn”.

Theo kết quả rà soát năm 2023, xã Quang Minh còn 25 hộ nghèo, chiếm 1,91%, giảm 2,8% so với năm 2021; cận nghèo còn 28 hộ, chiếm 2,14%, giảm 0,77% so với năm 2021; đều vượt kế hoạch đề ra. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 48,3 triệu đồng/năm, tăng 13,9 triệu đồng/người/năm so với năm 2020. Khi kinh tế phát triển, những nhu cầu thiết yếu của đời sống như giáo dục, văn hóa thông tin, chăm sóc sức khỏe được cải thiện đáng kể.

Ở xã Quang Minh hiện có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình của người dân. Nổi bật trong số đó phải kể đến hộ anh Nguyễn Văn Đích (SN 1981), thôn Hữu Định với mô hình chăn nuôi gia súc kết hợp trồng cây ăn quả. Đồng đất, khí hậu địa phương phù hợp để nuôi các loài động vật ăn cỏ, lại được hội nông dân xã hỗ trợ, năm 2019, anh Đích mạnh dạn vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội theo diện hộ nghèo để xây dựng chuồng trại. Ban đầu lúng túng vì chưa có kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc, phòng dịch bệnh, nhưng được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, xã tạo điều kiện bố trí diện tích đất trồng cỏ nên mô hình phát huy hiệu quả rõ rệt. Hiện anh đang nuôi 10 con ngựa, 30 con lợn thịt và trồng 50 cây bưởi. Mỗi năm, trừ chi phí, anh Đích thu lãi gần 100 triệu đồng. Có thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình ngày càng được cải thiện, anh Đích tích cực tham gia mô hình “Tổ cộng đồng giúp nhau thoát nghèo” của xã. Là một thành viên của tổ, anh thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, giúp vốn, chia sẻ kinh nghiệm để hộ nghèo phát triển sản xuất hiệu quả từ nguồn hỗ trợ của nhà nước.

Các đoàn thể cùng vào cuộc

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, thời gian qua, UBND xã Quang Minh chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực, đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích người dân khai thác hiệu quả lợi thế về tự nhiên, ưu tiên hỗ trợ giống, vốn giúp nhiều hộ xây dựng mô hình kinh tế mới, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Nhờ đó, không chỉ thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên trở thành hộ khá, giàu, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo ở địa phương.

 Anh Nguyễn Văn Đích chăm sóc đàn ngựa.

Anh Nguyễn Văn Đích chăm sóc đàn ngựa.

Bên cạnh hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế từ nguồn ngân sách nhà nước, mô hình của các hội, đoàn thể triển khai đã phát huy nội lực, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo của xã. Tùy theo nhu cầu từng hộ mà các đoàn thể có những phương thức hỗ trợ khác nhau.

Đơn cử như Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh xã với phong trào “Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Đoàn Thanh niên xã có mô hình tổ, nhóm góp vốn, góp công lao động, hỗ trợ cây, con giống cho đoàn viên khó khăn. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã triển khai chương trình “Trao phương tiện sinh kế giúp phụ nữ thoát nghèo”. Các cơ sở hội phát động cán bộ, hội viên phụ nữ tiết kiệm từ mô hình "phân loại rác thải bán phế liệu", "nuôi lợn đất" để tặng đồ dùng, phương tiện cần thiết. Tuy giá trị vật chất không lớn nhưng đó là những món quà sinh kế ý nghĩa, thiết thực, phù hợp, giúp nhiều chị em có điều kiện thực hiện mô hình kinh doanh nhỏ như bán thức ăn, nước giải khát, quà vặt… để có thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Theo chị Đào Thị Hưng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, các hội viên nghèo còn được hội hỗ trợ đối đa việc tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế. Đặc biệt, hội duy trì nguồn quỹ tiết kiệm giúp hội viên nghèo khoảng 150 triệu đồng (hội viên góp vốn), trung bình mỗi năm cho 10 chị em vay không ãi để có sinh kế vươn lên.

Theo ông Vũ Xuân Chanh, Phó Chủ tịch UBND - Phó trưởng Ban chỉ đạo giảm nghèo xã: Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã tăng cường cán bộ về các thôn, bám sát cơ sở. Từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của các hộ dân để đề xuất cách thức hỗ trợ phù hợp. Các hội, đoàn thể đẩy mạnh hướng dẫn kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tuyên truyền, khắc phục “bệnh” ỷ lại trong ý thức thoát nghèo và thay đổi tập quán sản xuất để kết quả giảm nghèo thực sự bền vững.

Bài, ảnh: Tường Vi

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/xay-dung-mo-hinh-kinh-te-moi-tao-viec-lam-cho-lao-dong-dia-phuong-222140.bbg