Xây dựng mô hình trồng cây cà chua cherry siêu ngọt

'Xây dựng mô hình trồng cây cà chua cherry siêu ngọt tại vùng Bắc Hướng Hóa' là nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) được Sở KH&CN giao cho Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN chủ trì thực hiện. Thời gian thực hiện từ tháng 11/2019 đến tháng 10/2020. Đây là đề tài khoa học đã được trung tâm tiến hành sản xuất thử nghiệm từ tháng 7/2019 cho hiệu quả kinh tế cao, trên cơ sở đó Sở KH&CN giao nhiệm vụ cho trung tâm tiếp tục thử nghiệm để khẳng định tính thích nghi của loài cây trồng mới này trên vùng Bắc Hướng Hóa, bổ sung vào tập đoàn cây trồng cho sản phẩm hàng hóa của tỉnh.

 Thu hoạch cà chua cherry trồng trong nhà màng ở Sa Mù, Hướng Hóa

Thu hoạch cà chua cherry trồng trong nhà màng ở Sa Mù, Hướng Hóa

Cà chua cherry có trái căng mọng, hấp dẫn, thịt mềm, vị thơm ngon, ngọt ngào, có giá trị dinh dưỡng cao gấp 4 lần cà chua thường, rất giàu vitamine A, C, K có tác dụng rất tốt cho mắt và da, làm chậm quá trình lão hóa. Đây cũng là loại thực phẩm có khả năng ngăn ngừa nhiều loại bệnh rất tốt. Trong vài năm trở lại đây, giống cà chua cherry được du nhập vào Việt Nam trồng ở một số vùng có khí hậu mát mẻ như vùng phía Bắc, Đà Lạt. Sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng bởi giá trị dinh dưỡng cao, có màu sắc rất bắt mắt, tươi sáng với 3 màu chủ đạo là màu nâu sẫm, màu đỏ và màu vàng. Tại Quảng Trị, sau 4 tháng sản xuất thử nghiệm 200 cây cà chua cherry ở Trạm Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa cho kết quả tốt. Cà chua cherry được trồng trong nhà màng, chăm sóc đúng kĩ thuật và canh tác theo phương pháp hữu cơ. Sau 3 tháng trồng, cà chua bắt đầu cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch từ 6- 7 tháng. Năng suất mỗi cây khoảng từ 3- 4 kg.

Chị Hà Thị Thu Hiền, cán bộ Phòng Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KH&CN, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN, phụ trách nhiệm vụ của đề tài cho biết: “Cà chua cherry bước đầu thử nghiệm cho thấy có thể thích nghi với điều kiện khí hậu, thời tiết ở vùng Bắc Hướng Hóa. Cà chua mới thu hoạch ban đầu cho năng suất khá và sản phẩm có độ ngọt cao tương đương với sản phẩm cà chua trồng ở Đà Lạt (khoảng 8 độ Brix) được người tiêu dùng trên địa bàn ưa chuộng. Từ kết quả ban đầu đó, trung tâm mở rộng quy mô thử nghiệm, nếu kết quả thành công, khẳng định được tính thích nghi thì sẽ chuyển giao, nhân rộng cho những cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất cà chua cherry trên vùng Bắc Hướng Hóa”.

Nhiệm vụ của trung tâm được giao là xây dựng mô hình sản xuất cà chua cherry siêu ngọt trong nhà màng với hệ thống tưới nhỏ giọt và ứng dụng các biện pháp kĩ thuật tiến bộ, canh tác sạch. Từ mô hình này làm điểm cho nông dân tham quan, học tập để tiếp cận với phương pháp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và có thể nhân ra diện rộng. Có 3 giống cà chua cherry được trung tâm đưa vào trồng gồm: Giống cherry đỏ; cherry vàng và giống nâu. Đây là những giống cà chua được nhập khẩu từ Nhật Bản có chất lượng tốt. Qua quá trình thử nghiệm, trung tâm ghi nhận để có sự đánh giá chính xác khả năng sinh trưởng, tính thích nghi và hiệu quả kinh tế của cà chua cherry; từ đó hoàn thiện quy trình kĩ thuật trồng và chăm sóc cà chua cherry phù hợp với điều kiện khí hậu vùng Bắc Hướng Hóa.

Đơn vị thực hiện sẽ tiến hành các nội dung như: Nghiên cứu cơ sở thực tiễn về kinh nghiệm và kĩ thuật sản xuất cà chua cherry tại Đà Lạt; triển khai xây dựng nhà lưới; xây dựng mô hình trồng cà chua cherry trên giá thể trong nhà lưới; theo dõi, đánh giá khả năng sinh trưởng và hiệu quả kinh tế của các giống cà chua cherry; hoàn thiện quy trình kĩ thuật trồng và chăm sóc cà chua cherry siêu ngọt phù hợp với điều kiện vùng Bắc Hướng Hóa. Dự kiến sản phẩm của đề tài gồm: Nhà màng 1.000 m2 (bao gồm hệ thống tưới và thiết bị điều khiển) bán tự động sản xuất trong nước; mô hình trồng cà cherry an toàn, năng suất 50 tấn/ha/vụ ở công thức tối ưu nhất 1.500 cây/1.000 m2 và cà chua thương phẩm.

Ngoài ra, trung tâm cũng có thể lựa chọn thêm giống cà chua siêu quả Magic-S (tên dân dã là cây cà chua thân gỗ) để trồng thử; đồng thời nghiên cứu hoàn thiện công thức giá thể tốt nhất theo hướng dẫn tự làm để giảm giá thành; xây dựng quy trình bón phân tối ưu nhất (ưu tiên bón phân hữu cơ); nghiên cứu điều kiện bảo quản, thu hái cà chua thời điểm cho phù hợp với việc bảo quản; đưa ra nhiệt độ bảo quản tối ưu để khuyến cáo trong quá trình vận chuyển, bán hàng…

Hiện Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN đang chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ. Đề tài thành công sẽ là mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, làm phong phú sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rau an toàn; tạo ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường khi tận thu các sản phẩm phụ của vỏ cà phê, vỏ trấu đưa vào sử dụng làm phân bón.

Cát Linh - Hải Yến

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144192