Xây dựng môi trường giao thông an toàn cho học sinh: Tạo chuyển biến về ý thức tự giác
Những ngày đầu năm học 2019-2020, bên cạnh niềm vui tựu trường là nỗi lo về nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông của hơn 2 triệu học sinh cùng phụ huynh Hà Nội. Việc rèn ý thức nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn giao thông, góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn cho học sinh đến trường là mục tiêu mà các ngành chức năng thành phố đã, đang kiên trì triển khai.
Vẫn còn không ít học sinh không đội mũ bảo hiểm, vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông. Ảnh:Thái Hiền
Tái diễn vi phạm giao thông
Ghi nhận tại một số trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những ngày đầu năm học 2019-2020 cho thấy, tình trạng học sinh vi phạm quy định về an toàn giao thông vẫn tái diễn. Đơn cử, sau giờ tan học buổi sáng 4-9, phóng viên Báo Hànôịmới ghi nhận tại cổng Trường Trung học phổ thông Khoa học Giáo dục (quận Bắc Từ Liêm) có một số học sinh không đội mũ bảo hiểm, đi xe máy chở ba tham gia giao thông.
Khi bị lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an quận Bắc Từ Liêm yêu cầu dừng xe xử lý vi phạm, Nguyễn Văn Thuận, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông Khoa học Giáo dục, đã viện lý do: "Do vội về nhà nên quên không đội mũ bảo hiểm". Cũng trong ngày 4-9, theo ghi nhận tại cổng Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân), một nhóm học sinh sau khi tan trường đã điều khiển xe đạp điện dàn hàng ngang trên đường Nguyễn Trãi, gây khó khăn cho người tham gia giao thông trong giờ cao điểm.
Có thể thấy, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm các quy định về an toàn giao thông vẫn diễn ra phổ biến với tính chất, mức độ và nhiều hình thức khác nhau. Chỉ tính từ đầu tháng 3-2019 đến cuối tháng 8-2019, Công an thành phố Hà Nội đã xử lý khoảng 2.500 học sinh, sinh viên vi phạm quy định về an toàn giao thông, trong đó phần lớn là các lỗi liên quan đến đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện. Các trường hợp vi phạm đã được Công an thành phố Hà Nội gửi thông báo về Ban giám hiệu các nhà trường để phối hợp quản lý, phòng ngừa tái phạm.
Theo Đại úy Bùi Ngọc Quyết, Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội), vi phạm chủ yếu của học sinh là điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, chưa đủ tuổi nhưng vẫn lái xe và chở quá số người quy định. Ngoài ra, một số trường hợp học sinh vượt đèn tín hiệu giao thông, đi xe dàn hàng ngang, phóng nhanh, lạng lách… Những vi phạm này đều là tác nhân trực tiếp có thể dẫn tới tai nạn giao thông cho chính học sinh và người cùng tham gia giao thông.
Tình trạng phụ huynh đưa, đón con ở trường mầm non, tiểu học… không đội mũ bảo hiểm cũng diễn ra khá phổ biến. Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, không ít phụ huynh vẫn chưa ý thức được trách nhiệm của mình đối với con. Nhiều trường học khó kiểm soát học sinh vi phạm các quy định về an toàn giao thông, vì không ít phụ huynh quá dễ dãi với chính con em mình.
Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông tại một số trường học chưa được quan tâm đúng mức. Việc xây dựng ý thức tuân thủ các quy định về an toàn giao thông ở một số nơi còn mang tính hình thức.
Ông Trần Mạnh Vũ, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm) nhìn nhận, việc giáo dục an toàn giao thông học đường thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn, có phần trách nhiệm của cả nhà trường, gia đình và các lực lượng chức năng. Nhiều phụ huynh vẫn cho con sử dụng xe máy phân khối lớn (dung tích xi lanh trên 50cm3), dù biết đó là sai quy định. Một số trường học chưa quan tâm đúng mức đến việc giáo dục học sinh tuân thủ quy định pháp luật giao thông...
Tạo ý thức tự giác chấp hành pháp luật
Năm học 2019-2020, ngành Giáo dục Thủ đô quyết tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nền nếp, kỷ cương, trong đó có ý thức tuân thủ các quy định về an toàn giao thông, tạo nền tảng để xây dựng văn hóa giao thông cho công dân Thủ đô ngay từ khi các em còn là học sinh. Em Phạm Kim Ngân, học sinh lớp 5A5, Trường Tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân) bộc bạch: "Em mong muốn được tham gia nhiều hơn các chuyên đề ngoại khóa về an toàn giao thông trong năm học mới. Từ đó, sẽ làm lan tỏa ý thức chấp hành pháp luật về giao thông tới các bạn cùng lớp, cùng trường".
Tuyên truyền về an toàn giao thông tại một trường học ở huyện Đan Phượng. Ảnh: Mai Hữu
Cũng về vấn đề này, thầy giáo Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) cho biết, giáo dục học sinh ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của nhà trường trong cả năm học 2019-2020, chứ không chỉ trong Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường. Nhà trường cũng mong muốn lực lượng chức năng nghiêm khắc và quyết liệt hơn khi xử lý học sinh vi phạm, thường xuyên có sự trao đổi thông tin với nhà trường để nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh.
Còn theo Thượng tá Phạm Văn Hậu, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), lực lượng Cảnh sát giao thông của thành phố sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Phòng sẽ tổng hợp danh sách các trường hợp vi phạm gửi về các nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để có biện pháp giáo dục, quản lý. Ngoài ra, cách thức tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông cũng được đổi mới theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, góp phần tạo ý thức tự giác chấp hành pháp luật của học sinh.
Liên quan đến việc này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội trong Công văn số 3680/UBND-ĐT ngày 27-8 về việc thực hiện Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường (tháng 9-2019), ngay trong những ngày đầu năm học mới, các trường đã tổ chức cho 100% số học sinh ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành trật tự an toàn giao thông. Các phụ huynh cũng ký cam kết với nhà trường về việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, cam kết đội mũ bảo hiểm cho con khi ngồi trên xe gắn máy...
Ông Phạm Xuân Tiến cho biết, để xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, năm học 2019-2020, ngành Giáo dục Hà Nội bắt đầu đưa vào dạy ở tất cả các trường học tài liệu “Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh thành phố Hà Nội”. Sở Giáo dục và Đào tạo và Công an thành phố cũng đã ký Kế hoạch số 265/KHPH-CATP-SGDĐT ngày 28-8 về việc phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các trường học và các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố năm học 2019-2020. Kế hoạch này có quy định rõ nội dung, biện pháp triển khai và trách nhiệm của các bên, nhằm tạo chuyển biến về ý thức tuân thủ Luật Giao thông đường bộ một cách bền vững, thực chất, góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn cho học sinh Thủ đô.