Xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc

Hưởng ứng ngày Sức khỏe tâm thần (SKTT) thế giới năm 2024, chiều 8/10, Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang tổ chức hội thảo với chủ đề 'Ưu tiên cho SKTT tại nơi làm việc'.

Phát biểu tại hội thảo, bác sĩ Trịnh Xuân Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh thông tin, từ năm 1992, ngày 10/10 hằng năm được chọn là ngày SKTT thế giới.

 Bác sĩ Trịnh Xuân Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh thông tin về thực trạng sức khỏe tâm thần.

Bác sĩ Trịnh Xuân Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh thông tin về thực trạng sức khỏe tâm thần.

Năm 2024, chủ đề được chọn để phát động trong ngày SKTT thế giới là “Ưu tiên cho SKTT tại nơi làm việc” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa SKTT và công việc, từ đó thu hút người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức liên quan cùng vào cuộc để SKTT được ưu tiên, bảo vệ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 15% người trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng đến rối loạn tâm thần. Kết quả nghiên cứu, khảo sát do Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2 phối hợp với Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Đồng Nai thực hiện tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cho thấy: Có 14,3% công nhân diện khảo sát có bệnh lý rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ nữ chiếm 64%; công nhân ở các ngành dệt may mắc các bệnh về tâm thần cao gấp 2-8 lần các ngành nghề khác; tỷ lệ công nhân đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung bị rối loạn tâm thần cao gấp 5-7 lần những khu vực còn lại…

Tại Bắc Giang, dù chưa có khảo sát, thống kê về những trường hợp gặp vấn đề SKTT tại nơi làm việc song qua theo dõi, tỷ lệ người mắc các bệnh tâm thần ngày càng tăng.

Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2024, Trạm SKTT (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) lập hồ sơ quản lý 7.216 bệnh nhân, tăng 48 bệnh nhân so với cả năm 2023; số bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú là 1.013 người. Các bệnh thường gặp gồm: Rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm, ảo thanh, hoang tưởng…

Trao đổi tại hội thảo, đại diện các khoa, phòng thuộc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cùng chia sẻ về nguyên nhân, cách phòng ngừa và chăm sóc SKTT tại nơi làm việc.

Có ý kiến cho rằng, môi trường làm việc an toàn, lành mạnh là yếu tố quan trọng bảo vệ SKTT cho người lao động. Ngược lại, môi trường làm việc không lành mạnh như bị kỳ thị, phân biệt đối xử, bị quấy rối hay điều kiện làm việc tồi tệ sẽ ảnh hưởng đến SKTT, chất lượng cuộc sống và năng suất làm việc.

Vì vậy, mỗi người cần chia sẻ trách nhiệm về chăm sóc SKTT tại nơi làm việc, cùng hỗ trợ nhau để hạn chế các căng thẳng, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh. Khi giải quyết được tình trạng chán nản, thiếu năng lượng làm việc, tạo ra một nơi làm việc lành mạnh về tinh thần, người lao động cảm thấy an toàn, khỏe mạnh tại nơi làm việc thì họ sẽ gắn bó với cơ quan, tổ chức và làm việc năng suất, hiệu quả hơn.

Khi có dấu hiệu bất thường về SKTT như: Lo âu, mất ngủ, căng thẳng, ngại tiếp xúc, người lao động cần chủ động đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời, tránh để bệnh trầm trọng hơn.

Được biết, cùng với tổ chức hội thảo, dịp này, Bệnh viện Tâm thần tỉnh có nhiều hoạt động hưởng ứng ngày SKTT thế giới như: Truyền thông lưu động; hướng dẫn chăm sóc và phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần và cộng đồng; tầm soát phát hiện bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm trong cộng đồng.

Tin, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/xay-dung-moi-truong-lam-viec-lanh-manh-quan-tam-cham-soc-suc-khoe-tam-than-tai-noi-lam-viec-170033.bbg