Xây dựng môi trường sống không khói thuốc lá

Với mục tiêu xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi ở, nơi làm việc, đồng thời nâng cao sức khỏe của người dân, thời gian qua, ngành y tế phối hợp với các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện những biện pháp tích cực nhằm đẩy lùi tác hại của thuốc lá.

Hút thuốc là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí trong nhà, nơi làm việc, trường học, nơi công cộng và ngoài trời do khói thuốc thải ra ngoài không khí hàng ngàn chất hóa học độc hại. Ngoài tác hại đối với sức khỏe, thuốc lá cũng góp phần không nhỏ vào việc hủy hoại môi trường.

 Khói thuốc lá ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe.

Khói thuốc lá ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở nước ta hiện nay, tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà là 67,6% và tại nơi làm việc là 49,0%. Đặc biệt, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà của phụ nữ gần 70%, của trẻ em gần 50%. Như vậy, số người phải thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động rất cao.

Theo một nghiên cứu, khói thuốc tạo ra nhiều hạt muội là yếu tố gây ô nhiễm không khí nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Những người hút thuốc có lẽ không biết rằng lượng chất độc họ tạo ra khi hút 3 điếu thuốc nhiều gấp 10 lần lượng chất độc do một chiếc xe hơi thải ra.

Nồng độ hạt muội đo được trong không khí sau khi động cơ chạy 1 giờ đầu tiên là 88 ug/m3. Trong khi đó, nồng độ này ở những điếu thuốc lá trong cùng thời gian là 830 ug/m3 - lớn hơn gần 10 lần. Điều đáng chú ý là khi hoạt động với công suất lớn nhất, lượng hạt muội mà động cơ diesel thải ra trong garage chỉ lớn gấp đôi nồng độ đo được ngoài trời. Trong khi đó, nồng độ hạt muội từ khói thuốc cao gấp 15 lần nồng độ bên ngoài.

 Việc hút thuốc lá góp phần gia tăng chất thải độc hại cho môi trường sống.

Việc hút thuốc lá góp phần gia tăng chất thải độc hại cho môi trường sống.

Bên cạnh đó, quá trình sản xuất thuốc lá cũng giải phóng độc tố vào không khí và đất. Suy thoái đất do ô nhiễm làm cho đất không còn thích hợp để trồng trọt. Quá trình sản xuất thuốc lá tạo ra lượng chất thải rất lớn, trong đó, ngoài những chất hữu cơ thông thường như bụi than, giấy vụn... và nhiều chất độc khác có trong bụi thuốc lá và môi trường không khí tại nơi sản xuất và khu vực lân cận, bao gồm chất dầu, chất dẻo và amoniac, etylen, glycol, nicotin.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ những tác hại của khói thuốc lá tới môi trường và sức khỏe con người bao gồm các hoạt động từ khâu trồng trọt, sơ chế đến chế biến thành phẩm, tiêu dùng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá; ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá; việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường khoảng 3 nghìn đến 6 nghìn tấn formaldehyde, từ 12 nghìn đến 47 nghìn tấn nicotine và từ 300 đến 600 nghìn tấn chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá. Chưa kể việc hút thuốc lá còn là nguyên nhân gián tiếp gây ra nhiều vụ hỏa hoạn, cháy rừng trên thế giới hằng năm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá; ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá; việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường khoảng 3 nghìn đến 6 nghìn tấn formaldehyde, từ 12 nghìn đến 47 nghìn tấn nicotine và từ 300 đến 600 nghìn tấn chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá. Chưa kể việc hút thuốc lá còn là nguyên nhân gián tiếp gây ra nhiều vụ hỏa hoạn, cháy rừng trên thế giới hằng năm.

Trong một điếu thuốc lá chứa xấp xỉ 600 thành phần. Khi điếu thuốc được đốt lên, tạo ra hơn 7 nghìn hóa chất, trong đó, ít nhất 69 hóa chất được xác nhận là nguyên nhân gây nên ung thư và nhiều hóa chất khác là siêu độc tố. Đó là aceton là chất tẩy trong thuốc sơn móng tay, amoniac là chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh, DDT/dieldrin là thuốc trừ sâu, arsenic là chất được sử dụng trong thuốc diệt chuột, hay như methanol formaldehyde chất để ướp xác.

Với những tác hại đối với môi trường sống và sức khỏe con người của thuốc lá, việc thực hiện quy định không hút thuốc lá nơi làm việc và các địa điểm có quy định cấm hút thuốc cần được các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt nghiêm. Các đơn vị đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn đánh giá thi đua của cán bộ, viên chức, người lao động; có hình thức động viên, khen thưởng các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống tác hại thuốc lá.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường hơn nữa hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá; lồng ghép tuyên truyền xây dựng “môi trường không khói thuốc” và gương điển hình trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá. Ngoài ra, có những hành động thiết thực để từ bỏ thuốc lá, tuyên truyền, vận động đồng nghiệp, người thân, bạn bè từ bỏ sử dụng, buôn bán các sản phẩm thuốc lá nhằm hướng đến xây dựng một môi trường sống và làm việc xanh, trong lành, vì sức khỏe và chất lượng cuộc sống mỗi người, mỗi gia đình.

Thành An (t/h)

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/suc-khoe/414706/xay-dung-moi-truong-song-khong-khoi-thuoc-la.html