Xây dựng môi trường tiếng Việt cho trẻ vùng cao
Đó là một trong những nội dung đánh giá về quá trình thực hiện Đề án 'Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số' được Sở Giáo dục và Đào tạo khảo sát từ 27-11, đến 1-12 tại các trường thuộc các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Đề án được thực hiện theo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đến nay đã đạt kết quả tốt. 100% trẻ kết thúc học mầm non, trong độ tuổi ra lớp 1 vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều thông thạo tiếng Việt và nhanh chóng tiếp cận với chương trình sách giáo khoa. 5 đơn vị có nhiều trường tham gia Đề án (huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Phú Bình) đã đưa ra những phương pháp dạy và học cho trẻ theo hướng tạo môi trường ngôn ngữ tiếng Việt cho học sinh và cả phụ huynh.
Bên cạnh đo, số giáo viên cốt cán một số là người địa phương đã qua đào tạo chính quy phát huy tốt nhiệm vụ “cắm bản” và một số giáo viên địa phương khác cũng đã chủ động học tiếng vùng dân tộc thiểu số nơi có trường, lớp để hỗ trợ học sinh sử dụng thành thạo tiếng Việt. Phát triển kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số luôn đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học bằng cách tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giao tiếp thân thiện, gắn với đồ dùng học tập sinh động và được sắp xếp khoa học theo chủ đề. Bên cạnh đó, giáo viên, cán bộ quản lý phải luôn đánh giá khách quan các yếu tố ảnh hưởng đến nghe, nói, đọc, viết và các nội dung, phương pháp, hình thức tăng cường khả năng nghe, hiểu và nói tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số. Từ đó thiết kế giờ học sát với đặc thù từng địa phương.