Xây dựng môi trường, văn hóa giao thông an toàn, văn minh
Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, thay thế Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123), với nhiều mức xử phạt hành chính tăng cao nhiều lần so với mức phạt quy định trước đây.
Việc tăng mức xử phạt cũng là vấn đề được dư luận quan tâm trong nhiều ngày gần đây, nhất là khi Nghị định số 168 có hiệu lực. Nhiều người dân đồng tình với việc tăng mức xử phạt để tăng tính răn đe với một số nhóm hành vi vi phạm với lỗi cố ý, lỗi nguy hiểm thường gặp, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành các quy định pháp luật của người tham gia giao thông.
Đồng thời, là cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm, góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông.
Từ góc độ quản lý, cơ quan chức năng cho rằng, việc nâng cao mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm không “nhằm” vào việc xử phạt người dân, mà cốt lõi là để tạo ra sự răn đe từ sớm đối với những người có ý định vi phạm. Từ đó, thay đổi suy nghĩ, hành vi, có ý thức tuân thủ luật lệ của người tham gia giao thông.
Thực tế, việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông triển khai trong thời gian qua đã từng bước tạo thói quen “đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện tham gia giao thông”, góp phần giảm số vụ tai nạn giao thông do rượu bia.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, chỉ trong hai ngày đầu tiên áp dụng xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định số 168, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã lập biên bản hơn 25,1 nghìn trường hợp, phạt tiền hơn 61 tỷ đồng…
Với sự quyết tâm tạo chuyển biến thực chất trong ý thức và hành vi của người tham gia giao thông, thay đổi diện mạo giao thông, từng bước xây dựng giao thông văn minh, hiện đại, những ngày qua, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã tập trung lực lượng, phương tiện đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát tại các nút giao quan trọng trên địa bàn.
Tại các chốt xử lý vi phạm giao thông, lực lượng chức năng triển khai đồng loạt các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân. Chỉ sau ba ngày triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định số 168, ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân đã có những chuyển biến tích cực.
Việc tăng mức phạt vi phạm giao thông cũng là chủ đề làm “nóng” các diễn đàn giao thông nhiều ngày qua. Nhiều người dân còn thiếu thông tin, tỏ ra bất ngờ trước mức phạt mới, đồng thời băn khoăn về mức phạt cao so với thu nhập, lo ngại xuất hiện tiêu cực, thiếu minh bạch của lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm...
Bên cạnh đó, việc tăng mức phạt vi phạm giao thông cũng là chủ đề làm “nóng” các diễn đàn giao thông nhiều ngày qua. Nhiều người dân còn thiếu thông tin, tỏ ra bất ngờ trước mức phạt mới, đồng thời băn khoăn về mức phạt cao so với thu nhập, lo ngại xuất hiện tiêu cực, thiếu minh bạch của lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm...
Để Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, không chỉ trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà còn cần chú trọng tới tận cộng đồng dân cư để người dân nắm bắt thông tin, nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông.
Hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống biển báo, vạch kẻ đường, đèn giao thông cũng cần được nâng cấp để hỗ trợ người dân chấp hành quy định. Ngoài ra, cần đẩy mạnh giáo dục an toàn giao thông, bắt đầu từ trong gia đình, nhà trường bằng việc nêu gương và giáo dục con em xây dựng ý thức chấp hành pháp luật giao thông từ khi còn nhỏ.
Lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương cần tập trung rà soát các tuyến nội đô, các ngã tư lớn, các tuyến đường phức tạp về an toàn giao thông để tập trung xử lý nghiêm vi phạm, nhất là những hành vi cố ý. Đặc biệt, cần ưu tiên sử dụng hệ thống camera giám sát cố định, camera cầm tay, đeo trên người của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông để ghi hình tuyên truyền nhắc nhở, xử lý người tham gia giao thông có hành vi vi phạm với phương châm “Không vùng cấm, không ngoại lệ”.
Để tránh các trường hợp người vi phạm viện các lý do để không tuân thủ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các tổ công tác khi làm nhiệm vụ cần đều ghi hình ảnh, clip đầy đủ để đối chứng với người vi phạm, tránh những xung đột không đáng có, đồng thời để người vi phạm “tâm phục, khẩu phục”.
Trong công tác xử lý các vi phạm cần bảo đảm tính công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ như: Camera giám sát giao thông và hệ thống xử phạt tự động; phòng chống các hành vi tiêu cực của lực lượng chức năng trong khi làm nhiệm vụ…
Có thể thấy, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ được coi là một giải pháp quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo cơ hội bứt phá xây dựng nền giao thông văn minh, hiện đại. Để các quy định trong Nghị định số 168 thật sự phát huy hiệu quả cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Trong đó, mỗi công dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, góp phần xây dựng môi trường, văn hóa giao thông an toàn, văn minh.