Xây dựng một hệ sinh thái tài sản mã hóa minh bạch, an toàn và bền vững tại Việt Nam
Các đại biểu là các nhà quản lý, các chuyên gia đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về các mô hình quản lý và vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung (CEX) minh bạch, an toàn, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: HNV)
Ngày 27/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý và vận hành các sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung”, thu hút đông đảo đại biểu tham dự.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, hội thảo nhằm tạo diễn đàn cho các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước chia sẻ thông tin, thảo luận về các mô hình quản lý và vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung (CEX) minh bạch, an toàn, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn Việt Nam.
Ban tổ chức hy vọng hội thảo sẽ xây dựng được một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa lực lượng Công an, Hiệp hội Blockchain Việt Nam và các sàn giao dịch; đồng thời kêu gọi sự hợp tác từ tất cả các doanh nghiệp, chuyên gia và người dân để cùng xây dựng một thị trường tài sản mã hóa không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn góp phần đưa Việt Nam thoát khỏi "Danh sách xám" của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền FATF (Financial Action Task Force on Money Laundering) trong thời gian sớm nhất.

Các diễn giả trao đổi bàn tròn tại hội thảo. (Ảnh: HNV)
Việc thoát khỏi danh sách này không chỉ là vấn đề danh dự quốc gia mà còn là điều kiện để chúng ta khẳng định vị thế trên trường quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, bảo vệ người dân khỏi những nguy cơ tài chính bất hợp pháp.
Tham luận tại hội thảo, Thượng tá Dương Đức Hùng, Phó trưởng phòng Chống khủng bố, Cục An ninh nội địa, Bộ Công an thông tin, quản lý và vận hành các sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung là một lĩnh vực không chỉ mang lại tiềm năng kinh tế to lớn mà còn đặt ra thách thức nghiêm trọng về an ninh quốc gia. Đây cũng là cơ hội quý báu để lực lượng công an trao đổi, học hỏi và tìm kiếm sự đồng thuận với cộng đồng blockchain, qua đó cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái tài sản mã hóa minh bạch, an toàn và bền vững tại Việt Nam.
Với tư cách là một cán bộ công an chuyên ngành phòng, chống tội phạm khủng bố, tôi xin khẳng định rằng lực lượng công an luôn sẵn sàng đồng hành cùng các cơ quan chức năng, Hiệp hội Blockchain Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp để bảo đảm các sàn giao dịch tài sản mã hóa hoạt động an toàn, minh bạch, không bị lợi dụng cho các mục đích bất hợp pháp. Chúng tôi không chỉ đóng vai trò xử lý các hành vi vi phạm mà còn mong muốn trở thành một đối tác tin cậy, hỗ trợ tư vấn và hướng dẫn các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.
Thượng tá Dương Đức Hùng, Phó trưởng phòng Chống khủng bố, Cục An ninh nội địa, Bộ Công an
Cũng theo Thượng tá Hùng, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình xây dựng khung pháp lý cho tài sản mã hóa trong năm 2025, chúng ta đang đứng trước một thời điểm mang tính bước ngoặt. Đây là cơ hội để tận dụng tiềm năng kinh tế của blockchain và tiền mã hóa nhưng đồng thời cũng là thách thức để ngăn chặn các nguy cơ an ninh, đặc biệt là tài trợ khủng bố.
"Với tư cách là một cán bộ công an chuyên ngành phòng, chống tội phạm khủng bố, tôi xin khẳng định rằng lực lượng công an luôn sẵn sàng đồng hành cùng các cơ quan chức năng, Hiệp hội Blockchain Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp để bảo đảm các sàn giao dịch tài sản mã hóa hoạt động an toàn, minh bạch, không bị lợi dụng cho các mục đích bất hợp pháp. Chúng tôi không chỉ đóng vai trò xử lý các hành vi vi phạm mà còn mong muốn trở thành một đối tác tin cậy, hỗ trợ tư vấn và hướng dẫn các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật"- Thượng tá Dương Đức Hùng, Phó trưởng phòng Chống khủng bố, Cục An ninh nội địa, Bộ Công an nói.
Thực tế cho thấy, một hệ sinh thái tài sản mã hóa an toàn không chỉ đòi hỏi các sàn áp dụng quy trình KYC (Know Your Customer - thấu hiểu khách hàng của bạn), nghiêm ngặt và tích hợp công nghệ giám sát tiên tiến mà còn cần sự chung tay của tất cả các bên để bảo vệ an ninh quốc gia. Bởi thế, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, với vai trò tiên phong trong lĩnh vực công nghệ blockchain, chính là cầu nối quan trọng để kết nối các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng trong nỗ lực chung này.
Dịp này, Thượng tá Dương Đức Hùng cũng bày tỏ mong muốn qua hội thảo này sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về nguy cơ hiện hữu, kinh nghiệm quốc tế và các giải pháp thiết thực để đối phó với vấn đề tài trợ khủng bố trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ cho rằng, bối cảnh phát triển kinh tế số mạnh mẽ hiện nay đòi hỏi khung khổ pháp lý cho tài sản mã hóa tập trung cần phải được bảo đảm, minh bạch, công khai và phù hợp thực tế phát triển.
Trong khuôn khổ hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chia sẻ về Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số trong đó, đề cập tới một số nội dung rất mới thể hiện ở các chế định, thí dụ như tài sản số, sản xuất sản phẩm công nghệ số, dịch vụ công nghệ số… với các sửa đổi, bổ sung phù hợp xu hướng phát triển chung của các quốc gia phát triển, góp phần tạo thuận lợi và đào tạo động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển công nghiệp công nghệ số và trở thành một nền công nghiệp nền tảng, góp phần thúc đẩy cho việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Dự thảo cũng góp phần cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Các đại biểu đều thống nhất cao về tính cam kết tuân thủ tinh thần tối thượng của pháp luật liên quan các nội dung về tài sản mã hóa tập trung, bảo đảm sự ổn định của thị trường và hiệu quả nền kinh tế trong bối cảnh công nghệ ngày càng lan tỏa và mạnh mẽ như hiện nay.
Lực lượng Công an cam kết: Hợp tác với các sàn giao dịch để triển khai các giải pháp công nghệ giám sát, chia sẻ thông tin tình báo về các tổ chức khủng bố và các giao dịch đáng ngờ; tổ chức các buổi tập huấn cho doanh nghiệp về cách nhận diện và ngăn chặn các giao dịch liên quan đến tài trợ khủng bố, từ đó nâng cao năng lực tự bảo vệ của chính các sàn; bảo đảm xử lý nhanh chóng và công bằng mọi trường hợp vi phạm, đồng thời bảo vệ các doanh nghiệp hoạt động hợp pháp khỏi các rủi ro pháp lý không đáng có.