Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng
Công nghiệp quốc phòng, an ninh (CNQPAN) luôn có những vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Để hướng đến nền CNQPAN tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng; thực hiện động viên công nghiệp (ĐVCN) rộng khắp nhằm chủ động, sẵn sàng đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ an ninh quốc gia... thì yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan là vô cùng cấp thiết.
Lấp đầy “khoảng trống” pháp lý
Việc phát triển CNQP trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia là vấn đề mang tính chiến lược, vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đặc biệt quan tâm đến CNQP. Chỉ chưa đầy nửa tháng sau ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 15.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị thành lập Phòng Quân giới - tiền thân của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam ngày nay. Sau khi thành thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng”, “đánh giặc, trước hết phải có vũ khí”.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã đưa ra những định hướng quan trọng cho phát triển công nghiệp quốc phòng. Cụ thể, trong Báo cáo chính trị trình Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII nêu rõ: Phát triển công nghiệp quốc phòng kết hợp phục vụ dân sinh; Xây dựng, phát triển nền CNQP, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội…
Thực tiễn cho thấy, CNQPAN luôn là một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, có đóng góp quan trọng không chỉ trong việc bảo đảm vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ các cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, mà còn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Nhiều sản phẩm CNQPAN mang tính lưỡng dụng đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội, được người tiêu dùng rất ưa chuộng, trở thành những thương hiệu mạnh…
Hiện nay, cơ sở pháp lý chung điều chỉnh lĩnh vực CNQPAN và ĐVCN cao nhất là Hiến pháp 2013 (Điều 14, Điều 68), Luật Quốc phòng 2018, Luật Công an nhân dân và các luật chuyên ngành khác. Cơ sở pháp lý trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực CNQP là Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, điều chỉnh lĩnh vực ĐVCN là Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003, điều chỉnh lĩnh vực CNAN là Nghị định số 63/2020/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, chưa có văn bản quy phạm pháp luật tầm Luật nào điều chỉnh trực tiếp về CNQPAN và ĐVCN để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng; nhất là luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù. Đồng thời, để thống nhất với các luật ban hành trong thời gian qua quy định về vấn đề này như: Luật Khoa học và công nghệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quy hoạch, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp... Do đó, yêu cầu phải xây dựng Luật để điều chỉnh những quy định về CNQPAN và ĐVCN bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật... là điều tất yếu.
Đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đất nước trong tình hình mới
Qua tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp, 12 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng trên phạm vi toàn quốc cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay việc thực thi các pháp lệnh về công nghiệp quốc phòng, ĐVCN đã xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập. Trong đó, việc thực hiện chức năng giúp Chính phủ quản lý nhà nước về CNQPAN và ĐVCN của Bộ Quốc phòng chưa phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả; chưa tập trung và còn phân tán ở nhiều đầu mối cơ quan trực thuộc.
Nhiều chuyên gia, nhà phân tích cũng cho rằng, chức năng, nhiệm vụ các khối: đặt hàng - giao nhiệm vụ; nghiên cứu, sản xuất - sửa chữa; khai thác sử dụng... chưa được phân định rõ. Hệ thống các cơ sở công nghiệp quốc phòng tuy nhiều về số lượng nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, tính quy tụ về công nghệ, sản phẩm chưa cao. Sự gắn kết giữa nghiên cứu thiết kế với sản xuất, sản xuất với sửa chữa chưa chặt chẽ… Hoạt động hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng chủ yếu vẫn diễn ra một chiều. Phần lớn là nhập khẩu vũ khí trang bị kỹ thuật từ các nước; sản phẩm công nghiệp quốc phòng chưa thâm nhập sâu rộng vào thị trường xuất khẩu vũ khí. Hoạt động xuất khẩu vũ khí trang bị quân sự và xúc tiến thương mại quân sự chưa được quy định trong các pháp lệnh liên quan...
Đặc biệt, thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm qua và dự báo trong tương lai cho thấy, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện chiến tranh phi quy ước, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh thông tin; tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng cao nhất trong lịch sử; nhiều loại vũ khí mới ra đời. Trong đó, vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, tấn công an ninh mạng được sử dụng là chủ yếu. Đồng thời, phương thức, quy mô, phạm vi, không gian, thời gian, môi trường, lực lượng và thủ đoạn tác chiến... để tiến hành chiến tranh rất đa dạng.
Các thế lực thù địch cũng triệt để sử dụng môi trường không gian mạng để tiến hành các hoạt động xâm hại an ninh quốc gia, tuyên truyền chống chế độ, kích động biểu tình, bạo loạn, thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” đối với nước ta... Trước tình hình đó đòi hỏi việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là rất cấp bách, không thể chậm trễ.
Qua theo dõi dự thảo Luật quan trọng này từ khi “thai nghén” đến nay, có thể khẳng định quá trình xây dựng dự thảo kỹ lưỡng, công phu; thận trọng chắc chắn. Cơ quan chủ trì soạn thảo luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tinh thần cầu thị tiếp thu tối đa; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và tham khảo kinh nghiệm quốc tế nhằm hoàn chỉnh dự thảo luật... Việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan sẽ tạo nền móng vững chắc để hướng đến CNQPAN tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng; thực hiện ĐVCN rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa; đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ an ninh Tổ quốc, an ninh quốc gia.