Xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả

Từ ngày 1/7, thành phố Huế bắt đầu vận hành bộ máy mới, chính thức triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Thành phố đã tích cực chuẩn bị các khâu từ nhân lực đến cơ sở, hạ tầng kỹ thuật để giải quyết thủ tục hành chính với phương châm phục vụ người dân, doanh nghiệp thông suốt, an toàn và hiệu quả.

Lãnh đạo thành phố Huế kiểm tra việc vận hành mô hình chính quyền xã Quảng Điền. (Ảnh: Đ.QUANG)

Lãnh đạo thành phố Huế kiểm tra việc vận hành mô hình chính quyền xã Quảng Điền. (Ảnh: Đ.QUANG)

Sau khi sắp xếp, có 40 đơn vị hành chính cấp xã mới, gồm 21 phường và 19 xã; trong đó, có 20 phường và 19 xã được hình thành từ việc sáp nhập các xã, phường liền kề về địa giới. Việc triển khai mô hình được kỳ vọng sẽ tạo nên bước chuyển căn bản trong vai trò và năng lực quản trị của chính quyền cơ sở.

Vận hành thông suốt, thuận lợi

Với tinh thần chủ động và quyết liệt, 40 xã, phường mới sau sáp nhập trên địa bàn thành phố Huế đã chuẩn bị đầy đủ từ nhân lực đến cơ sở, hạ tầng kỹ thuật để góp phần đưa vào vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp thông suốt, an toàn và hiệu quả.

Sáng 1/7, trong ngày làm việc đầu tiên của chính quyền địa phương 2 cấp, hàng trăm người dân đã đến Trung tâm phục vụ hành chính công phường Phú Xuân (đóng tại 394 đường Đinh Tiên Hoàng) thực hiện các thủ tục hành chính.

Với tinh thần chủ động và quyết liệt, 40 xã, phường mới sau sáp nhập trên địa bàn thành phố Huế đã chuẩn bị đầy đủ từ nhân lực đến cơ sở, hạ tầng kỹ thuật để góp phần đưa vào vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp thông suốt, an toàn và hiệu quả.

Phường Phú Xuân đã bố trí vị trí làm việc khá thoáng mát, ngay cạnh cổng ra vào trụ sở tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch. Sau khi bấm lấy số thứ tự tự động, người dân đợi gọi tên và được cán bộ hướng dẫn tận tình, chu đáo.

Hiện tại, Trung tâm phục vụ hành chính công phường Phú Xuân có gần 15 ô tiếp nhận các thủ tục về các lĩnh vực hành chính công. Các cán bộ luôn sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ người dân.

Nhiều người đến nộp hồ sơ bày tỏ hài lòng vì được giải quyết nhanh, chính xác với thái độ niềm nở của cán bộ trung tâm.

Ông Phạm Thành, một người dân sống tại phường Phú Xuân cho biết: “Sau khi sáp nhập và kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, chúng tôi thấy thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, giảm phiền hà. Trước đây, người dân phải đi lại nhiều lần để hoàn thành hồ sơ đất đai. Việc chưa đồng bộ, nhân lực còn thiếu tại xã khiến quá trình xử lý hồ sơ bị chậm trễ. Bây giờ đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, được tăng cường từ thành phố, quận (cũ) về phường, xã cho nên nhiều việc được cải thiện, tiến độ nhanh chóng hơn”.

Ông Nguyễn Việt Bằng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phú Xuân cho biết, phường đã tập trung đầu tư Trung tâm phục vụ hành chính công, nhằm bảo đảm phục vụ người dân tốt nhất. Hệ thống phần mềm đã kết nối liên thông, bố trí cán bộ, phương tiện máy móc đầy đủ để nhanh chóng đi vào vận hành ngay ngày làm việc đầu tiên.

Tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thủy Xuân (mới) đóng tại 38 Lê Ngô Cát, phường Thủy Xuân, mọi thủ tục hành chính mà người dân cần giải quyết đều được trung tâm phục vụ tận tình, chu đáo.

Đại diện lãnh đạo phường Thủy Xuân (mới) cho biết, ngoài xây dựng lại trụ sở trung tâm, phường đồng thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về hạ tầng số, kết nối dữ liệu, nhân lực và kỹ thuật.

Từ sáng 1/7, ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, cán bộ, công chức phường Thủy Xuân đã có mặt từ rất sớm để bố trí khu vực tiếp dân, bàn hướng dẫn, bảo đảm người dân đến liên hệ công việc được phục vụ chu đáo.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Huế Nguyễn Xuân Sơn, đến thời điểm hiện tại, toàn bộ hạ tầng công nghệ, từ trung tâm dữ liệu, hệ thống điện toán đám mây, đường truyền mạng đến các thiết bị chuyên dụng đều được đầu tư đầy đủ tại 41 Trung tâm phục vụ hành chính công tại 40 phường, xã và thành phố, vận hành từ ngày 1/7.

Hệ thống phần mềm giải quyết thủ tục hành chính đã được cấu hình hơn 1.000 thủ tục, tích hợp đầy đủ các chức năng kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, hỗ trợ đăng nhập qua VNeID, chữ ký số, đồng bộ trạng thái hồ sơ và thanh toán trực tuyến. Kho dữ liệu điện tử cho phép tái sử dụng thông tin giấy tờ từ các lần giao dịch trước, giúp giảm tối đa thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Xuân Sơn cho biết, thành phố đã cấp 2.700 tài khoản cho cán bộ, công chức sử dụng hệ thống văn bản, báo cáo số, họp trực tuyến và các nền tảng quản trị điều hành. Các cơ sở dữ liệu dùng chung từ cấp thành phố đến cấp xã, phường được liên thông hoàn toàn, giúp các địa phương truy xuất nhanh thông tin, xử lý thủ tục hành chính cho người dân không phụ thuộc vào giới hạn địa giới hành chính.

Về kỹ thuật, thành phố đã số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực từ cấp huyện để bàn giao cho các xã, phường, bảo đảm không bị đứt gãy thông tin, không để sót hoặc mất hồ sơ.

Hoàn thiện mô hình dịch vụ công

Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Huế Nguyễn Văn Mạnh cho biết, để việc chính thức vận hành mô hình chính quyền mới từ ngày 1/7 đạt hiệu quả, trước đó, thành phố đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng.

Công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã được tổ chức đồng bộ, bài bản, từ nhân sự, cơ sở vật chất, quy trình vận hành đến chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu.

Các đơn vị hành chính cấp xã mới tại thành phố Huế đã được bố trí lại bộ máy theo hướng đồng đều về năng lực quản lý, với đầy đủ các phòng chuyên môn, như: Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Phòng Kinh tế (hoặc Kinh tế-Hạ tầng-Đô thị đối với phường), Phòng Văn hóa-Xã hội, và với các phường có quy mô dân số lớn như Phú Xuân, Thuận Hóa… có thêm Phòng Kế hoạch-Tài chính.

Ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết thêm, Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã được tổ chức thành một đầu mối chuyên tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường kiêm Giám đốc điều hành. Mô hình này vừa gọn nhẹ, vừa chuyên nghiệp, phục vụ sát hơn với nhu cầu thực tế tại địa phương.

Theo ông Trần Hữu Thùy Giang, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Huế, thành phố đang tích cực triển khai mô hình tiếp nhận thủ tục hành chính phi địa giới, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân nhanh chóng, hiệu quả hơn trong môi trường số.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế Nguyễn Văn Phương cho rằng, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương lớn, nhằm xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Khi mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công phường, xã vận hành hiệu quả sẽ giúp rút ngắn quy trình, giảm thời gian xử lý, tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, 40 đơn vị hành chính cấp xã đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7, thay thế vai trò của cấp huyện. Huế hiện có tỷ lệ phường đạt trên 50%, thuộc nhóm cao trên cả nước. Điều này sẽ giúp chính quyền cấp xã trở thành “điểm chạm” chính giữa người dân và các cơ quan hành chính.

“Mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp tổ chức hành chính là xây dựng một nền hành chính tinh gọn, hiện đại, hiệu năng và hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Để đạt được điều đó, cần bảo đảm thông suốt trong quản lý nhà nước, đặc biệt không để việc chuyển giao bộ máy gây gián đoạn dịch vụ công hay ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”, ông Phương khẳng định

NGUYỄN CÔNG HẬU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xay-dung-nen-hanh-chinh-hien-dai-hieu-qua-post891295.html