Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn để giải quyết nguy cơ cháy rừng gia tăng

Kể từ ngày 7/1, khi các vụ cháy rừng nghiêm trọng hoành hành khắp khu vực Los Angeles (Mỹ), hơn 100.000 người đã phải tuân theo lệnh sơ tán bắt buộc. Ước tính ban đầu cho thấy, tổn thất được hưởng bảo hiểm có thể lên tới 20 tỷ USD và tổng thiệt hại kinh tế có khả năng sẽ chạm mốc 57 tỷ USD.

Cần coi thiên nhiên là động lực của nền kinh tế. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ

Cần coi thiên nhiên là động lực của nền kinh tế. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ

Nguy cơ cháy rừng ngày một tăng

Dù nguyên nhân gây ra các vụ cháy vẫn chưa được xác định, song khoa học đã chứng minh, biến đổi khí hậu và các phương pháp quản lý cảnh quan hiện nay đang làm tăng nguy cơ cháy rừng trên toàn cầu.

Một thách thức chính ở California, cũng như ở Địa Trung Hải, là giao điểm giữa khu vực nông thôn - thành thị, nơi thị trấn gặp vùng nông thôn, với số lượng nhà ở không cân xứng hiện là những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao. Khi môi trường thiên nhiên bị lấy mất để mở rộng khu dân cư, rủi ro đối với nhà cửa và doanh nghiệp tăng lên. Các chuyên gia ước tính trên toàn cầu, yêu cầu bồi thường bảo hiểm do cháy rừng đã chạm mốc 10 tỷ USD/năm. Khi nhiệt độ tăng cao và hạn hán xảy ra thường xuyên hơn, tình trạng dễ gây cháy rừng sẽ ngày càng phổ biến.

Trên toàn thế giới, vấn đề cháy rừng mới đang vượt quá khả năng xử lý của con người. Khi chúng ta phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng về môi trường, kinh tế và xã hội, các quốc gia phải chuyển từ chiến thuật chữa cháy sang các chiến lược giảm thiểu - thích ứng toàn diện để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng cực đoan, đồng thời tạo ra cảnh quan kiên cường, có khả năng phục hồi nhanh chóng nếu xảy ra cháy.

Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn chống cháy rừng

Những năm gần đây, nhiều quốc gia đã chứng kiến tiến bộ đáng kể trong khoa học và kỹ thuật, cũng như trong cách thức quản lý đất đai có thể tích hợp phòng ngừa - chuẩn bị, phát hiện - ứng phó và phục hồi - thích ứng. Đơn cử, lâm nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu, trong đó chú trọng đặt khả năng phục hồi và lợi ích về khí hậu lên hàng đầu trong công tác quản lý rừng, đang nổi lên như một công cụ hiệu quả để tạo ra cảnh quan có khả năng phục hồi sau cháy rừng, hạn hán và lũ lụt. Tuy nhiên, một vấn đề lớn là làm sao để tài trợ cho những chiến lược này?

Chìa khóa để đạt được mục tiêu này là sự phát triển của nền kinh tế sinh học tuần hoàn. Về bản chất, bằng cách thay thế nền kinh tế dựa trên nhiên liệu hóa thạch bằng nền kinh tế dựa trên sức mạnh tái tạo của thiên nhiên, toàn cầu có thể cắt giảm lượng khí thải dẫn đến tình trạng nóng lên toàn cầu và giảm nguy cơ xảy ra các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, cùng lúc vẫn thu hút các khoản đầu tư cần thiết để chuyển đổi cảnh quan và doanh nghiệp theo cách tích hợp. Ở cấp độ địa phương, cần thúc đẩy nền kinh tế sinh học phát triển mạnh mẽ ở nơi thiên nhiên phát triển, nghĩa là tăng trưởng kinh tế song hành với việc tạo ra cảnh quan lành mạnh, đa dạng sinh học, chống chịu được khí hậu và cháy rừng.

Rừng và nông lâm kết hợp, với vai trò đa chức năng và nhiều dịch vụ hệ sinh thái, mang đến những cơ hội tuyệt vời để xây dựng mô hình kinh tế mới này. Các công nghệ mới đang tạo ra những cơ hội chưa từng có để sản xuất các hợp chất có nguồn gốc thực vật mà chúng ta có thể sử dụng, bao gồm vật liệu xây dựng, hàng dệt may, nhựa và hóa chất. Quản lý rừng để sản xuất các nguồn tài nguyên này theo cách tái tạo cũng tăng cường các dịch vụ hệ sinh thái, cải thiện khả năng cô lập Carbon, nâng cao sức khỏe đất và khả năng giữ nước, đồng thời giảm nguy cơ cháy rừng.

Khi nền kinh tế sinh học phát triển, cơ hội kinh tế cũng tăng theo. Chỉ riêng ở Amazon, nền kinh tế sinh học có thể có giá trị lên tới 4 nghìn tỷ USD, trong khi trên toàn cầu, nền kinh tế sinh học dự kiến sẽ đạt giá trị 7,7 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Đối với các nhà đầu tư, sự phát triển của nền kinh tế sinh học tuần hoàn đang tạo ra cơ hội cho tài chính tư nhân và quan hệ đối tác công tư hướng đến lợi nhuận, đồng thời cũng tạo ra cảnh quan chống cháy và phục hồi. Kế hoạch này có thể được thực hiên thông qua các giải pháp dựa trên thiên nhiên, như nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp kết hợp lâm nghiệp bền vững, cũng như tăng cường các dịch vụ hệ sinh thái liên quan đến đa dạng sinh học, nước, đất và khí hậu.

Để làm được điều này, ngành tài chính cần xây dựng sự hiểu biết tốt hơn về vai trò quan trọng của thiên nhiên, xem đây là động lực thực sự của nền kinh tế. Việc đưa các chuyên gia khoa học vào ngành đầu tư và tài chính cần trở thành chuẩn mực trong những năm tới.Trong một thế giới mà tổn thất từ các thảm họa môi trường đang gia tăng, cần phải có hành động khẩn cấp và các nhà đầu tư cần đóng vai trò thiết yếu.

Khi chính phủ các nước tìm cách tài trợ cho cuộc chiến chống cháy rừng, điều cần thiết là phải áp dụng cách tiếp cận đa chiều, tích hợp khoa học, tài chính và chính sách để xây dựng nền kinh tế sinh học tuần hoàn giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của các sự kiện cực đoan. Trong thời đại biến đổi khí hậu ngày nay, phải học hỏi từ thiên nhiên và xây dựng khả năng phục hồi ngay từ đầu.

Đan Lê (Lược dịch từ The Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/xay-dung-nen-kinh-te-tuan-hoan-de-giai-quyet-nguy-co-chay-rung-gia-tang-150150.html