Xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững
Sau hơn 2 năm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển cây ăn quả gắn với tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, đến nay, tư duy sản xuất của các hợp tác xã, nông dân trong huyện Yên Châu đã có nhiều chuyển biến tích cực; hình thành được nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, từng bước khẳng định chất lượng sản phẩm, cho giá trị kinh tế cao.
HTX nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc, xã Phiêng Khoài, thành lập năm 2020, với 20 thành viên, quy mô sản xuất trên 200 ha cây ăn quả, trong đó chủ lực là cây nhãn và mận hậu. Anh Bùi Tuấn Anh, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX đã vận động các thành viên chiết ghép, cải tạo bằng giống nhãn chín muộn và áp dụng phương pháp rải vụ cho mận hậu để kéo dài thời gian thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Toàn bộ diện tích cây ăn quả đều được chăm sóc theo quy trình an toàn, lắp đặt hệ thống tưới tự động, tiết kiệm. Các sản phẩm quả của HTX đã có mặt tại các thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hà Lan, Đức, Anh. Năm nay, HTX thu hoạch trên 1.200 tấn mận và trên 300 tấn nhãn.
Còn đối với HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, xã Chiềng Hặc, được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. HTX đã có trên 80 ha cây xoài tượng da xanh được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu và sản phẩm xoài của HTX đã xuất khẩu thuận lợi sang nhiều thị trường các nước New Zealand, Trung Quốc, Mỹ... góp phần tăng thu nhập cao cho các thành viên.
Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX, chia sẻ: Năm nay, sản lượng xoài xuất khẩu của HTX đạt gần 3.000 tấn. HTX chăm sóc xoài theo hướng hữu cơ, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất, sổ nhật ký ghi chép quá trình chăm sóc, bao trái, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm xoài trên các thị trường. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, chất lượng quả được nâng lên, giá trị cao gấp hơn 2-3 lần so với sản xuất truyền thống. Hiện nay, HTX tiếp tục mở rộng diện tích được cấp mã vùng trồng và thị trường xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nga.
Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, sự quyết tâm của các hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn, huyện Yên Châu đang hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đối với các sản phẩm chủ lực, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.
Toàn huyện có trên 11.300 ha cây ăn quả, sản lượng quả ước đạt trên 90.000 tấn/năm; trong đó, có gần 1.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; có 67 mã vùng trồng được cấp với diện tích 1.140 ha.
Huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hướng dẫn các HTX, hộ dân sản xuất theo hướng hàng hóa, lựa chọn những cây trồng có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP; quản lý, khai thác hiệu quả các cây đầu dòng được công nhận trên địa bàn như xoài tròn, xoài GL4, lê VH6; tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Đến nay, huyện đã xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: Vùng mận tại xã Phiêng Khoài; vùng nhãn tại xã Lóng Phiêng; vùng xoài tại xã Chiềng Hặc.
Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có trên 2.620 ha cây ăn quả chăm sóc theo hướng hữu cơ; 70% các doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp tuân thủ quy trình canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP...
Huyện Yên Châu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các HTX, hộ dân thực hiện tốt quy trình sản xuất đối với các sản phẩm được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; tăng cường quản lý, phát triển thương hiệu sản phẩm xoài tròn, chuối, mận hậu Yên Châu. Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi..., tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, góp phần bảo vệ môi trường cũng như tạo ra nền nông nghiệp xanh, bền vững, đưa nông sản của huyện ngày một vươn xa.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/xay-dung-nen-nong-nghiep-xanh-ben-vung-hy4CN9ZIR.html