Xây dựng ngành tài chính Quân đội vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, công tác tài chính Quân đội (TCQĐ) thời gian qua luôn bám sát nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP), chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp, tổ chức bảo đảm tài chính đầy đủ, chặt chẽ, minh bạch, đúng quy định của pháp luật phục vụ nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất của toàn quân.
Trước yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, đòi hỏi phải tập trung nguồn lực lớn về tài chính. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành TCQĐ những năm tới. Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành TCQĐ (25-3-1946 / 25-3-2024), Thiếu tướng Lưu Sỹ Quý, Cục trưởng Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng đã trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về nội dung quan trọng này.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, nhìn lại kết quả thực hiện nhiệm vụ của toàn quân năm 2023 có thể thấy rõ những nỗ lực của ngành TCQĐ. Năm 2024, công tác bảo đảm tài chính trong Quân đội có những khó khăn, tác động nào?
Thiếu tướng Lưu Sỹ Quý: Năm 2023, bằng tinh thần đoàn kết, sức sáng tạo và sự nỗ lực cao, ngành TCQĐ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong điều kiện rất nhiều khó khăn tác động. Năm 2024 và những năm tới, dự báo tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có những diễn biến khó đoán định. Trong nước, chính trị ổn định, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước ngày càng được củng cố vững chắc. Nhiệm vụ xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương. Đây cũng là năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, công tác bảo đảm tài chính-ngân sách phục vụ nhiệm vụ QS, QP cũng đặt ra những đòi hỏi rất cao. Ngoài bảo đảm chế độ, chính sách tăng thêm, nhất là chế độ tiền lương mới và hoạt động thường xuyên của toàn quân, ngành TCQĐ còn phải tập trung bảo đảm tài chính phục vụ nhu cầu mua sắm, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật để tiếp tục nâng cao tiềm lực QS, QP, hiện đại hóa các lực lượng, cũng như bảo đảm ngân sách cho xây dựng doanh trại và các công trình QS, QP; triển khai bảo đảm tốt tài chính thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, mục tiêu mà Đảng và Nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng trong giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Những vấn đề nêu trên đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành TCQĐ nói chung, Cục Tài chính nói riêng.
PV: Vậy Cục Tài chính và ngành TCQĐ có những giải pháp gì để hoàn thành tốt nhiệm vụ hết sức nặng nề đó, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Lưu Sỹ Quý: Để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ QS, QP và xây dựng Quân đội, công tác TCQĐ phải xuất phát từ chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, của cấp ủy đảng các cấp; sự quản lý, điều hành của người chỉ huy; giám sát của các tổ chức và cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời, phải bám sát yêu cầu nhiệm vụ QS, QP; quản lý, sử dụng ngân sách có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ cả thường xuyên và đột xuất.
Việc quản lý, điều hành ngân sách phải chặt chẽ, linh hoạt, sâu sát, hiệu quả; sử dụng nguồn lực tài chính an toàn, tiết kiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, chống tham ô, lãng phí; kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng với tham gia thực hiện các chủ trương, giải pháp điều hành kinh tế-xã hội của Nhà nước. Cùng với đó, phát huy sức mạnh tổng hợp, ý thức tự lực, tự cường; tiếp nhận, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho nhiệm vụ QS, QP, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
PV: Thưa đồng chí, mục tiêu cụ thể mà ngành TCQĐ đang tập trung triển khai thực hiện là gì?
Thiếu tướng Lưu Sỹ Quý: Cùng với mục tiêu chung, ngành TCQĐ xác định một số mục tiêu cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo công tác tài chính đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đi đôi với thực hiện tốt cơ chế quản lý tài chính mới; tiếp tục triển khai thực hiện và hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính trong Quân đội theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, phù hợp với đặc thù quốc phòng, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới.
Lãnh đạo công tác quản lý tài chính-ngân sách, tài sản công chặt chẽ, thống nhất, toàn diện, hiệu quả; tiếp nhận các nguồn lực tài chính bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ. Quản lý chặt chẽ, an toàn, hiệu quả việc sử dụng vốn và tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp; tăng cường tiềm lực, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng gia sản xuất, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ... Thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, ý thức “thượng tôn pháp luật”; xây dựng ngành TCQĐ vững mạnh; cán bộ, nhân viên tài chính có đủ phẩm chất, năng lực, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
PV: Đồng chí cho biết cụ thể hơn về nội dung xây dựng ngành TCQĐ vững mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ?
Thiếu tướng Lưu Sỹ Quý: Ngành TCQĐ xác định trước hết cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhân viên tài chính các cấp, bảo đảm số lượng phù hợp với tổ chức, biên chế; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện, tập huấn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ các ngành nghiệp vụ và cán bộ làm công tác tài chính; kết hợp bồi dưỡng tại đơn vị với cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng tại các nhà trường trong và ngoài Quân đội. Thường xuyên cập nhật kiến thức về quản lý tài chính vào chương trình đào tạo tại các học viện, nhà trường Quân đội theo hướng đổi mới, sát thực, phù hợp với đối tượng đào tạo.
Toàn ngành TCQĐ tiếp tục thực hiện đồng bộ công tác cải cách hành chính, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị trong lĩnh vực tài chính, tập trung vào các khâu thẩm định, phân cấp, cấp phát và thanh quyết toán ngân sách, vốn đầu tư; công khai và đơn giản hóa các thủ tục; loại bỏ những thủ tục không cần thiết; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành tài chính-ngân sách. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính theo các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng; đầu tư trang thiết bị, phần mềm quản lý tài chính ở các cấp; bảo đảm an toàn, bảo mật tuyệt đối dữ liệu về tài chính. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh Phong trào thi đua “Đơn vị quản lý tài chính tốt”; thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác tài chính, đưa nội dung quản lý, sử dụng tài chính là một trong những tiêu chí bình xét thi đua-khen thưởng, đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân hằng năm.
Với vai trò, chức năng của mình, vừa qua, Cục Tài chính đã kiến nghị với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành có liên quan xác lập một số cơ chế đặc thù làm căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng, như cơ chế đặc thù chuyển nguồn ngân sách sang năm sau; cơ chế tiếp nhận nguồn thu của một số doanh nghiệp trong Quân đội; cơ chế định giá sản phẩm quốc phòng... Từ những cơ chế này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai bảo đảm tốt công tác tài chính để thực hiện việc mua sắm, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật nâng cao tiềm lực QS, QP, hiện đại hóa các lực lượng, bảo đảm xây dựng doanh trại, các công trình QS, QP và các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!