Xây dựng Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Việc ban hành Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử để thay thế Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử cho phù hợp với quy định của Luật Căn cước năm 2023 và đáp ứng yêu cầu thực tiễn là cần thiết.
Bộ Công an vừa có dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử.
Theo Bộ Công an cho biết, triển khai thực hiện Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử, đến nay Bộ Công an đã cấp trên 70,2 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân (vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao). Triển khai các tiện ích trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID) vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó có những nội dung mang lại nhiều tiện ích cho người dân.
Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai công tác cấp, quản lý, sử dụng tài khoản định danh điện tử đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể như việc người dân sử dụng thuê bao chưa đăng ký thông tin người sử dụng, thuê bao ít sử dụng, không sử dụng để đăng ký tài khoản định danh điện tử, dẫn đến khó khăn trong việc kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử; chưa quy định rõ các tiện ích của ứng dụng định danh quốc gia; khó khăn trong triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho tổ chức.
Cũng theo Bộ Công an, việc ban hành Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử để thay thế Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử cho phù hợp với quy định của Luật Căn cước năm 2023 và đáp ứng yêu cầu thực tiễn là cần thiết.
Việc xây dựng Nghị định nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ việc đăng ký, quản lý, khai thác, sử dụng tài khoản định danh điện tử, dịch vụ xác thực điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch trên môi trường điện tử, thực hiện đơn giản hóa, cải cách hành chính nhưng vẫn bảo đảm bảo vệ bí mật, an ninh, an toàn thông tin cá nhân.
Đồng thời, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng chủ trương, chính sách liên quan đến chuyển đổi số của Đảng, Nhà nước và yêu cầu hội nhập của Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới. Thể chế hóa, hoàn thiện hành lang pháp luật để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển và khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm 7 Chương với 41 Điều, trong đó đã quy định về nguyên tắc định danh và xác thực điện tử, đó là, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bảo đảm tính chính xác, công khai, minh bạch trong quản lý, thuận tiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bảo đảm an ninh, an toàn thiết bị, bảo mật dữ liệu khi thực hiện định danh và xác thực điện tử.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân được khai thác và sử dụng danh tính điện tử phải bảo mật thông tin tài khoản định danh điện tử và tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Mọi hành vi vi phạm pháp luật về định danh và xác thực điện tử phải được phát hiện, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Không được sử dụng tài khoản định danh điện tử vào hoạt động, giao dịch trái quy định của pháp luật; xâm phạm đến an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân không được can thiệp trái phép vào hoạt động của hệ thống định danh và xác thực điện tử.