Xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP là cần thiết
Điều 8 Luật Phòng, chống thiên tai (PCTT) năm 2013 quy định nguồn tài chính cho PCTT ngoài ngân sách nhà nước và quỹ PCTT thì còn có nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân.
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14-5-2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thì chỉ có các tổ chức sau được quyền kêu gọi, vận động đóng góp tiền, hàng cứu trợ: Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoặc chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện; các cơ quan thông tin đại chúng. Điều 5 Nghị định số 64/2008/NĐ-CP quy định các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ là: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; ủy ban MTTQ Việt Nam và hội chữ thập đỏ các cấp ở địa phương; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện; các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Như vậy, theo quy định trên thì cá nhân, đơn vị, tổ chức nếu chưa được sự cho phép của ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thì không được quyền kêu gọi, vận động đóng góp và tổ chức tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ. Những quy định này bảo đảm cho Nhà nước quản lý hoạt động kêu gọi, vận động đóng góp và tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ khi có thiên tai xảy ra, bảo đảm việc phân phối, cấp phát tiền, hàng cứu trợ cho người dân bị thiệt hại được công khai, minh bạch và đúng mục đích, đồng thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng thiên tai để đứng ra kêu gọi, vận động đóng góp nhằm trục lợi.
Tuy nhiên, hiện nay quy định này có những điểm chưa phù hợp vì khi thiên tai xảy ra, hoạt động quyên góp ủng hộ, cứu trợ cần phải được tiến hành nhanh chóng nhằm hỗ trợ người dân trong thời gian sớm nhất. Với sự phát triển mạnh của internet nói chung, mạng xã hội nói riêng như hiện nay thì bất kỳ một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào cũng có thể có kênh thông tin riêng để kêu gọi ủng hộ, đóng góp cho hoạt động cứu trợ và hoạt động này có thể lan tỏa rất nhanh, rộng rãi. Nếu tổ chức, đơn vị, cá nhân muốn kêu gọi, vận động đóng góp và tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ phải đi xin phép sẽ không phù hợp với tính cấp bách, rộng rãi của hoạt động cứu trợ thiên tai. Mặt khác, không thể phủ nhận với những cá nhân nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng thì việc họ đứng ra kêu gọi ủng hộ, quyên góp cho hoạt động cứu trợ thiên tai thường rất hiệu quả và nhanh chóng, đồng thời có sức lan tỏa cao.
Ngày 23-10 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 8876/VPCP-QHĐP gửi Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, đầy đủ của các bộ, ngành, cơ quan liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, xây dựng nghị định để thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, trình Chính phủ theo quy định của pháp luật.
Dư luận rất đồng tình với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, nhằm giúp việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh... được hiệu quả, kịp thời; đồng thời khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái. Luật PCTT năm 2013 đã coi nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân là một trong những nguồn tài chính cho công tác PCTT thì cũng nên ghi nhận quyền kêu gọi, vận động đóng góp và tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tổ chức, đơn vị, cá nhân mà không cần phải qua thủ tục xin phép ủy ban MTTQ như hiện nay. Đồng thời, pháp luật cũng nên quy định các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có biện pháp hỗ trợ hoạt động kêu gọi, vận động đóng góp, tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ, giúp cho hoạt động này diễn ra đúng mục đích, bảo đảm phân phối công bằng đến người dân; có quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm sự công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng tiêu cực, trục lợi...