XÂY DỰNG NGHỊ TRƯỜNG QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG NGÀY CÀNG CHUYÊN NGHIỆP
Theo Chương trình Phiên họp Chuyên đề Pháp luật, sáng 17/8, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Nội quy Kỳ họp Quốc hội năm 2015, các vị nguyên lãnh đạo Quốc hội, ủy viên UBTVQH, các chuyên gia cho rằng, để thực hiện hiệu quả hơn nữa vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Quốc hội, Nội quy Kỳ họp sửa đổi phải đáp ứng sự thay đổi mạnh mẽ, liên tục của Quốc hội đồng thời tăng cường hơn nữa tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Sửa đổi Nội quy Kỳ họp: Tiếp tục nâng cao chất lượng, khẳng định hiệu quả hoạt động của Quốc hội
GS.TS Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội: Sửa đổi Nội quy Kỳ họp phải đáp ứng yêu cầu mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp, minh bạch
Thể hiện đầy đủ nhất bản chất dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội
Tại Tọa đàm “Góp ý Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTVQH phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức nhằm, nguyên lãnh đạo Quốc hội, Ủy viên UBTVQH và các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia đều cho rằng, sau gần 07 năm thi hành, Nội quy Kỳ họp Quốc hội đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung Nội quy năm 2015 phải hoàn thiện các quy định liên quan đến Kỳ họp Quốc hội theo hướng quy định cụ thể những quy trình, thủ tục tại Kỳ họp chưa được quy định tại các luật chuyên ngành; những quy trình, thủ tục về các vấn đề cụ thể đã được quy định tại các luật chuyên ngành thì chỉ dẫn chiếu tại dự thảo Nghị quyết để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật….
Theo TS.Bùi Ngọc Thanh, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trong điều kiện tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thông tin, Quốc hội hoàn toàn có thể tổ chức kỳ họp, phiên họp trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Do đó, phải nghiên cứu sửa đổi Nội quy kỳ họp cho tương thích với hoàn cảnh mới.
Đồng tình với nhiều nội dung sửa đổi tại dự thảo, PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách nhấn mạnh, việc sửa đổi và bổ sung cần thống nhất về nhận thức “Kỳ họp Quốc hội là hình thức hoạt động chủ yếu của Quốc hội. Kỳ họp Quốc hội là sự tập trung và thể hiện rõ nét nhất quyền lực tối cao của Quốc hội. Kỳ họp Quốc hội là nơi thể hiện đầy đủ nhất bản chất dân chủ trong tổ chức và hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước và là cơ quan đại diện dân cử cao nhất..…”.
Đồng tình với quan điểm này, các đại biểu cũng cho rằng, Quốc hội là cơ quan hoạt động tập thể, các đại biểu Quốc hội có địa vị pháp lý như nhau, ngang quyền trong thảo luận, bàn bạc, biểu quyết và quyết định; Quốc hội chỉ biểu quyết để quyết định ban hành nghị quyết sau khi đã thảo luận, tranh luận; Quốc hội biểu quyết theo đa số và tỷ lệ biểu quyết được thông qua tùy theo vấn đề biểu quyết;…
Ở khía cạnh khác, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam khẳng định, Kỳ họp Quốc hội là hình thức hoạt động chủ yếu và quan trọng nhất của Quốc hội. Quốc hội chỉ thực hiện được đầy đủ các chức năng lập hiến, lập pháp, thảo luận dân chủ và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước tại Kỳ họp. Do đó, hiệu quả của kỳ họp là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả Kỳ họp là nhất tố quan trọng đóng góp vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Trao quyền điều hành linh hoạt cho Chủ tọa phiên họp
Liên quan đến về việc trình bày Tờ trình, báo cáo tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, các chuyên gia đều thống nhất cho rằng có thể giảm bớt thời gian nhưng phải giữ thủ tục này. Theo các chuyên gia, để có thể hình thành chính kiến và bày tỏ chính kiến, quyết định của mình đối với các đề án, dự án báo cáo trình Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cần nghe các thông tin và quan điểm từ nhiều phía, ít nhất là từ phía cơ quan trình và cơ quan thẩm tra. “Đây chính là tính chất căn bản của cơ quan dân cử, cơ quan nghị viện. Đối với các báo cáo hay dự án mang tính đặc thù, có tính chuyên môn cao như báo cáo tài chính nhà nước, ngân sách nhà nước, ngoài việc nghe thông tin, đánh giá, quan điểm từ phía cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội cần được nghe ý kiến đánh giá của cơ quan chuyên môn độc lập. Vì vậy, cần giữ thủ tục đọc này nhưng yêu cầu tờ trình, báo cáo phải ngắn gọn, cô đọng, thể hiện chính kiến, quan điểm của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra về những vấn đề chung và những vấn đề cụ thể”, PGS.TS. Đặng Văn Thanh nêu quan điểm.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia cũng nhất trí cao về việc cần trao quyền điều hành linh hoạt cho Chủ tọa phiên họp. Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, để điều hành một phiên họp sôi động, có sức sống thì chủ tọa điều hành phải có quyền điều hành linh hoạt theo diễn biến thực tế của phiên họp thay vì theo trình tự lần lượt ai đăng ký trước phát biểu trước. “Sửa đổi nội quy, quy trình, cách thức làm việc là để xây dựng một nghị trường sôi động, hiệu quả, có sức sống chứ không phải là một nghị trường theo tuần tự, có trật tự”, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Chậm gửi tài liệu cần cơ chế đánh giá phù hợp
Góp ý cụ thể về quy định liên quan đến thời hạn gửi tài liệu kỳ họp, PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách cho rằng, quy định này quan trọng nhưng quan trọng hơn là cần có quy định để đảm bảo tài liệu gửi cho Quốc hội là cần thiết, với thông tin có ích, dễ tìm hiểu. Thời gian cần quy định vừa đủ đối với từng loại tài liệu để các đại biểu tự nghiên cứu, tham khảo, lấy ý kiến chuyên gia, cử tri, tìm kiếm thông tin phản biện và hình thành ý kiến về nội dung được trình tại Kỳ họp.
Theo TS.Bùi Ngọc Thanh, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiến nghị, UBTVQH cần thống nhất tương đối thòi gian bắt đầu phiên họp hàng tháng. Đồng thời, phải rành mạch quy trình xử lý từng nội dung mà UBTVQH phải tiến hành tại các phiên họp để quy định các mốc thời gian cho hợp lý.
Phân tích dưới góc độ khác, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, chậm trễ gửi tài liệu kỳ họp Quốc hội đúng là “căn bệnh kinh niên” kéo dài từ nhiều khóa Quốc hội. Tuy nhiên, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu quy định cứng quá thì không hợp lý bởi trên thực tế có những vấn đề khách quan, phát sinh. Do đó, cần linh hoạt, việc đánh giá trách nhiệm chậm trễ gửi tài liệu của cơ quan trình cần phù hợp với bối cảnh cụ thể.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, với thực tế biến động như hiện nay đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nếu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cứ căn cứ theo nội quy, không trình hồ sơ đúng thời hạn là loại khỏi chương trình nghị sự thì không thể đáp ứng được đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống.
Từ thực tiễn hoạt động của Quốc hội trong năm đầu của nhiệm kỳ Khóa XV, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, phải sử dụng hiệu quả các cơ chế khác để đánh giá trách nhiệm của các cơ quan chậm trễ gửi tài liệu.
Cũng tại tọa đàm, một số chuyên gia kiến nghị, theo kinh nghiệm quốc tế, nghị viện một số nước có luật riêng về trình tự, thủ tục làm việc ở nghị viện. Ở nước ta, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “”Quốc hội ban hành luật để quy định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội…” (khoản 1, Điều 15). Trên thực tế, Luật Tổ chức Quốc hội chỉ tập trung quy định về tổ chức và một chương quy định về kỳ họp, chưa có sự quy định đầy đủ về trình tự, thủ tục làm việc của Quốc hội. Do đó, về lâu dài, có thể nghiên cứu ban hành Luật về trình tự, thủ tục tiến hành kỳ họp Quốc hội hoặc Luật về Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để bảo đảm dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, trọng tâm nhất là phát huy vai trò và trách nhiệm của ĐBQH; tiếp tục cải tiến cách thức điều hành, chuyển đổi mạnh mẽ từ cơ chế tham luận, thảo luận sang tranh luận; nâng cao tính chuyên nghiệp, pháp quyền qua việc quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể, tăng cường kỷ luật, kỷ cương kỳ họp Quốc hội;…
Nội quy Kỳ họp Quốc hội được ban hành năm 2015 trong bối cảnh vị trí, vai trò của Quốc hội ngày càng được củng cố, tổ chức và hoạt động từng bước đổi mới. Nội quy đã từng bước cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy trình, thủ tục.
Tuy nhiên, qua gần 07 năm thi hành, Nội quy đã bộc lộ những hạn chế, bất cập khi các luật có liên quan như Luật tổ chức Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân…, phương thức hoạt động của Quốc hội không ngừng được đổi mới, cải tiến để đáp ứng yêu cầu chuẩn bị từ sớm, từ xa, thích ứng linh hoạt trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.
Khẳng định Nội quy, quy trình, thủ tục là vấn đề hết sức quan trọng để vận hành thiết chế nghị viện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc tổng kết, tiến hành sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội nhằm tạo hành lang pháp lý để tiếp tục “Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội” như chủ trương đề ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=67566